Tư tưởng pháp luật Trung Quốc cổ đại

Nói đến Tư tưởng pháp luật Trung Quốc cổ đại là một đề tài nghiên cứu rộng lớn và công phu, phạm vi của một bài báo chỉ có thể đề cập đến những nét đại cương mà thôi, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng phác hoạ những đường nét chân dung thiết yếu nhất khi các học giả đề cập đến đề tài này. Mầm mống của tư tưởng pháp lý Trung Quốc đã có từ đời nhà Hạ, phát triển dần dần qua thời nhà Ân, nhà Chu, và tập đại thành trong hệ thống triết học pháp lý của Hàn Phi đời Tần. Sau Tần đến Hán. Với Hán Vũ Đế, việc bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật dẫn đến việc sử dụng triết học Nho Giáo làm nền tảng pháp lý, nhưng thực ra bản chất vương triều nhà Hán cũng chỉ là “dương Nho âm Pháp” (bề ngoài theo Nho Giáo bề trong áp dụng học thuyết Pháp gia). Điều này được thể hiện trong việc Hán Vũ Đế tin dùng Tang Hoằng Dương, một nhân vật có quan điểm hoàn toàn giống như Lý Khôi, Thương Ưởng, và Hàn Phi Tử, ba cột trụ của triết lý Pháp gia cổ đại. Quan hệ biện chứng giữa lễ trị theo Nho Giáo và pháp trị theo Hàn Phi được thể hiện xuyên suốt trong lịch sử xã hội và chính trị tại Trung Quốc mãi cho tận thời hiện đại.

Trước khi Hàn Phi tập đại thành tất cả các khái niệm tản mác về triết học pháp lý đi trước thành một hệ thống thì thuật ngữ “pháp” chưa hề mang nội dung ý nghĩa pháp lý cụ thể mà chỉ có nghĩa là “một mô thức, mô hình đặt ra để mọi người noi theo”. Còn nội dung pháp lý thì được tóm gọn trong thuật ngữ “hình” (hình phạt, trừng phạt). Có thể khẳng định trước Hàn Phi khái niệm pháp luật chưa hề tồn tại hiểu như một tiêu chuẩn khách quan để xác định sự thưởng phạt mà chỉ bao gồm trong những hình phạt dành cho các vi phạm cụ thể mà thôi. Theo các nhà nghiên cứu trong thời Hạ có tồn tại Hạ Hình, trong thời Thương có Thang Hình, và trong thời Chu có Cửu Hình, là những tập hợp các điều khoản tương tự như các điều khoản trong luật hình sự ngày nay. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 6 trước CN, các điều luật này được ghi lại trong các chung đỉnh văn (văn bản khắc lên các vạc bằng đồng) tại nước Trịnh và sau đó là nước Tấn. Tiếp theo là sự xuất hiện của Pháp Kinh, bộ sách luật đầu tiên của Trung Quốc, tác giả tương truyền là Lý Khôi. Theo Hình Pháp Chí trong Tấn Thư, tác giả Lý Khôi đã tổng hợp các điều luật của nhiều nước xung quanh để viết bộ Pháp Kinh này. Căn cứ trên Pháp Kinh Thương Ưởng đã tạo ra hệ thống luật pháp khét tiếng nhằm củng cố cho chế độ chính trị nhà Tần. Chính ông cũng là nạn nhân của chế độ pháp luật này. Có thể nói Thương Ưởng là người đầu tiên trên thế giới đã sáng tạo ra căn cước và sổ hộ khẩu để kiểm tra và khống chế người dân. Sau cái chết của Thương Ưởng các tư tưởng của ông vẫn tiếp tục được duy trì trong thời Hán và hội nhập với lý thuyết Thế và Thuật để cấu tạo nên học thuyết pháp trị của Hàn Phi. 

tu-tuong-phap-luat-trung-quoc-co-dai
Chân dung Hàn Phi

 Điểm trung tâm trong học thuyết pháp trị từ Lý Khôi, qua Thương Ưởng, đến Hàn Phi, xoay quanh vai trò của hình luật. Hình luật là nền tảng của sự cai trị, là nền tảng của trật tự xã hội. Sự áp dụng chặt chẽ hình luật sẽ dẫn đến thành công trong hai chức năng chính của người dân: nông nghiệp và chiến tranh. Người dân chỉ là nông dân hay là chiến sĩ, không còn vai trò thứ ba. Thương Ưởng nhấn mạnh rằng ngay cả các tay du thuyết hay các nhà ẩn sĩ cũng cần phải sung quân biến thành chiến binh phục vụ nơi tiền tuyến.

Ngoài điểm tiêu cực lớn nhất trong học thuyết pháp trị là nhà vua có thể đứng trên mọi luật lệ và như thế luật pháp chỉ là công cụ bảo vệ cho sự chuyên chế, phương diện tích cực của học thuyết này cũng cần được quan tâm: luật phải đơn giản, dễ hiểu, tuyệt đối khách quan, không được tuỳ tiện sửa đổi, và phải được áp dụng nghiêm túc, chặt chẽ. Riêng về khoản trừng phạt, các tư tưởng Pháp gia luôn luôn chủ trương trừng phạt thật nghiêm khắc. Họ cho rằng sự trừng phạt nghiêm khắc một vi phạm nhỏ sẽ ngăn ngừa sự phát sinh một vi phạm lớn. Thương Ưởng cho rằng để chấn chỉnh trật tự xã hội cần phải theo tỷ lệ chín phạt một thưởng: nghĩa là hạn chế việc tưởng thưởng nhưng rộng rãi trong việc áp dụng hình phạt. Cũng chính Thương Ưởng là người đầu tiên có sáng kiến thiết lập riêng chế độ đào tạo những chuyên gia pháp lý mà ông gọi là pháp quan. Pháp quan có chức năng giống như Quốc Hội ngày nay, nghĩa là đề đạt những sửa đổi luật pháp cần thiết lên nhà vua để được phê chuẩn và áp dụng. Pháp quan cũng là người truyền đạt luật pháp theo hệ thống từ cao xuống thấp và phổ biến cho dân chúng biết nội dung và ý nghĩa của các điều khoản cụ thể.

Toàn bộ tư tưởng pháp trị của Thương Ưởng hầu như được hội nhập toàn bộ vào tác phẩm của Hàn Phi. Điểm khác biệt duy nhất giữa Thương Ưởng và Hàn Phi là Hàn Phi còn sử dụng thêm lý thuyết về Thế của Thận Đáo và lý thuyết về Thuật của Thân Bất Hại. Bộ sách Hàn Phi Tử mà ngày nay chúng ta còn giữ được là tập đại thành của nhiều dòng tư tưởng khác nhau trong khoảng giữa thế kỷ thứ ba trước CN. Lương Khải Siêu khẳng định tư tưởng Hàn Phi là sự tổng hợp học thuyết vô vi của Lão Tử, học thuyết chính danh của Khổng Tử và chủ nghĩa thực dụng của Mặc Tử mà hình thành. Chúng tôi không tán thành hoàn toàn quan điểm của Lương Khải Siêu vì thật ra vô vi trong Hàn Phi không phải vô vi trong Lão Tử, chính danh của Khổng có mục đích luân lý giáo dục chứ không áp dụng vào nội dung các điều khoản trừng phạt như Hàn Phi, nhưng tính chất thực tiễn trong Mặc Tử thì tương đương với tính thực tiễn trong tất cả mọi tư tưởng Pháp gia, từ Tử Sản, Quản Trọng, đến Lý Khôi, Thương Ưởng, Hàn Phi.

Nho Giáo thực ra không phản đối việc áp dụng hình phạt. Khổng Tử hết lời ca ngợi Tử Sản khi cầm quyền nước Trịnh trong khi Tử Sản là tiền thân của các tư tưởng Pháp gia. Nho Giáo chủ trương hình phạt chỉ là phương tiện giúp giáo hoá dân chúng về mặt ý thức đạo đức. Pháp gia không quan tâm đến việc giáo hoá. Pháp gia chỉ quan tâm đến việc phục vụ quyền lợi của giai cấp thống trị và sự ổn định xã hội bằng bất cứ giá nào. Quan điểm chính của Nho Giáo là “đức chủ hình phụ” (lấy đức giáo hoá là chính, sử dụng hình phạt là phụ), “dẫn lễ nhập pháp” (dùng lễ dần dần thay thế cho pháp luật), nghĩa là không bài trừ hoàn toàn vai trò của hình phạt mà chỉ đặt nó trong một vị trí thứ yếu so với lễ trị hay đức trị mà thôi. Với những tội trạng lớn như tiến hành chiến tranh chẳng hạn thì thái độ của Mạnh Tử hết sức kiên quyết, đòi hỏi phải trừng phạt thật đích đáng. Thật ra trong lịch sử Trung Quốc sự phân biệt tách bạch ông vua nào áp dụng học thuyết Pháp gia, ông vua nào áp dụng Nho Giáo hầu như là chuyện bất khả. Các sử gia cũng có nhắc đến quan điểm “thịnh thế” (thời thịnh trị vì minh quân dùng đức trị dân theo quan niệm Nho Giáo), chẳng hạn về đời Tây Chu thì có “Thành Khang chi trị” (thời thịnh trị dưới triều Chu Thành Vương và Khang Vương), thời Hán sơ thì có “Văn Cảnh chi trị” (Hán Văn Đế và Hán Cảnh Đế), thời Đường có “Trinh Quán chi trị” (Trinh Quán là niên hiệu dưới triều Đường Thái Tông, tức Lý Thế Dân), thời Thanh có “Khang Càn chi trị” (Khang Hi và Càn Long), vân..vân..nhưng đây cũng là sáng tạo của các Nho gia. Trong thực tế lịch sử các vương triều Trung Quốc vẫn thường xảy ra hiện tượng “dương Nho âm Pháp” (bề ngoài chủ trương đức trị nhưng thực tế vẫn áp dụng tư tưởng pháp trị) hơn là thuần tuý theo đức trị hoặc thuần túy theo pháp trị.

Ts. Dương ngọc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo