Tổng quan về sách Con người và Kỹ thuật
Có hai hiện tượng chủ yếu và quyết định, tuy nhiên liên hệ rất mật thiết với nhau, từ đầu thế kỷ 19 đã biến đổi tận gốc các điều kiện sinh hoạt trên Trái đất chúng ta, và ngay cả bộ mặt của nó. Một là sự phát triển vũ bão của KỸ THUẬT, nhất là KỸ THUẬT CƠ GIỚI; hai là sự TĂNG GIA KHỦNG KHIẾP CỦA DÂN SỐ hoàn cầu.
Trên mọi địa hạt, sự biến chuyển mau lẹ không ngừng của kỹ thuật gây ảnh hưởng – tức tốc và trực tiếp không nhiều thì ít – đối với mọi sự kiện, với mọi cá nhân; đối với con người thị thành bận rộn lăng xăng của các đô thị khổng lồ trên khắp năm châu cũng như con người “man dã lạc hậu” nhất trong các khu rừng gần như hoang vu của miền Amazon, trên các sa mạc Australia, trên các hòn đảo không còn tươi sáng và trở thành đục ngầu của miền Thái Bình Dương, con người từ rày trở đi là người láng giềng ở ngay bên họ. Tác dụng của ảnh hưởng này còn được thấy trên mọi bình diện, tại các ngóc ngách sâu thẳm của mọi lĩnh vực sinh hoạt và hoạt động của con người, công khai in dấu – không bằng cách này thì bằng cách khác – lên từng chi tiết của đời sống hàng ngày cũng như của nề nếp đạo đức, luân lý và tôn giáo họ; lên các phương diện không kể xiết của đời sống gia đình, nghề nghiệp, xã hội, v.v… cũng như các hang sâu vực thẳm của đời sống tâm tình và trí tuệ của họ; lên các thức ăn cũng như triết lý của họ; lên các dục vọng cũng như các tham vọng, hy vọng và tuyệt vọng của họ.
Dù muốn dù không – kỹ thuật và dân số từ nay trở đi đối với chúng ta là những yếu tố cũng thường hằng, cũng trọng yếu, cũng sinh tử như toàn thể các điều kiện thiên nhiên căn bản, như không khí, như mặt trời. Ảnh hưởng của chúng vang dội khắp hoàn vũ, áp lực nặng nề của chúng tác động khắp nơi, tác động đều đều, không ngưng nghỉ.
Sở dĩ hôm nay chúng tôi nhận thấy đến lúc cần mang công trình của Spengler ra cống hiến các bạn độc giả, chính là vì công trình ấy, chẳng những đã không phai mòn với thời gian, mà lúc nào cũng vẫn hợp thời, cũng vẫn linh động và chắc chắn sẽ còn hợp thời, còn linh động dài lâu. Thật vậy, cuốn Con người và Kỹ thuật làm nổi bật cái đức tính đặc thù của Spengler là phối hợp hai yếu tố có giá trị ngang nhau một cách không phân biệt. Một đằng là phạm vi giá trị rộng lớn thường thiết của một công trình với những viễn cảnh hết sức bao quát. Một đằng là ảnh hưởng tức tốc và rúng động của một quan điểm không những thức thời hơn cả mà còn liên hệ mật thiết hơn cả với các nghi vấn cùng các vấn đề được đặt ra trên mọi bình diện của thời đại chúng ta.
“Chúng ta sinh vào thời này phải can đảm tiếp tục theo đuổi con đường đã vạch ra cho đến cùng định mệnh. Không còn cách nào khác. Nhiệm vụ của chúng ta là bám chặt lấy cái vị trí không sao giữ nổi này, không hy vọng, không thể có cứu viện. Giữ, cứ giữ theo gương của người lính La Mã kia mà bộ xương được tìm thấy trước cửa thành Pompei đã chết tại nơi mình đang canh gác, trong lúc núi Vesuve phun trào lửa thạch, chỉ vì người ta đã quên béng thay phiên anh. Thế mới là cao quý. Thế mới là anh hùng. Một cái chết vẻ vang là điều duy nhất mà người ta Không thể tước đoạt ở một con người.”
(Trích: Oswald Spengler, Con người và Kỹ thuật:
Một đóng góp cho triết học đời sống, Hoàng Thiên Nguyễn dịch, 2022)
Một số thông tin về tác giả:
Oswald Spengler (1880-1936) Sinh tại Blankenburg Đức quốc. Ông học Toán, Triết lý và Lịch sử tại Munchen và Berlin. Trình luận án tiến sĩ về Heraclitus.
Bộ Phương Tây thời mạt vận (Der Untergang des Abendlandes), cuốn I (Hình thức và Thực tại) được xuất bản vào năm 1918, cuốn II (Quan niệm về lịch sử thế giới) vào năm 1922. Cuốn Con người và Kỹ thuật (Der Mensch und die Technik) được xuất bản vào năm 1931.
Theo Spengler, cả Triết học, Lịch sử và Văn hóa đều không nắm giữ được Chân lý tuyệt đối mà chỉ là những biểu hiện của Thời đại. Vì thế, tất cả những nỗ lực của con người đều tương đối và vô ích. Duy vật luận và các mục tiêu kinh tế đang đưa văn hóa phương Tây đến thời mạt vận.
Những năm cuối đời, Spengler trở về quê nhà ở Munchen, sống trầm lặng để viết, suy tưởng, sưu tập tranh ảnh, nghe nhạc Beethoven, đọc Shakespeare và Moliere. Ông mất tại Munchen ba tuần trước ngày sinh nhật thứ 56 (1936).
Mục lục
Đôi dòng về Oswald Spengler
Lời nói đầu của Anatole A.Petrowsky
Lời giới thiệu
Tựa đề
Chương I: Kỹ thuật là chiến thuật sinh tử
Chương II: Loài ăn cỏ và loài săn mồi
Chương III: Nguồn gốc con người: Bàn tay và Dụng cụ
Chương IV: Giai đoạn hai: Ngôn ngữ và Hợp doanh
Chương V: Hồi cuối: Sự thăng trầm của nền văn hóa cơ khí
Một số nhận xét về Con người và Kỹ thuật
“Đối với tôi, Oswald Spengler khi nào cũng vẫn sống động và kích thích. Ông làm tôi dồi dào thêm, hứng khởi thêm. Cũng như Nietzsche. Dostoevsky, Elie Faure”.
Henry miller
“Đối với nhiều người, Oswald Spengler trước hết vẫn chỉ là “con chim báo điềm dữ” đã từng “loan báo” cho người Phương Tây rằng tình trạng của họ chẳng có gì tốt đẹp… Phần đóng góp chính yếu của Spengler là ở chất Kích Thích mạnh mẽ mà nền tư tưởng của ông đem lại cho bất cứ độc giả nào sẵn sàng tiếp thụ”.
Anatole A.Petrowsky
“Trong những trang sau đây, tôi xin trình bày với độc giả một vài suy nghiệm rút ở một tác phẩm rộng lớn hơn mà tôi đang cặm cụi viết hàng bao năm…
Giúp cho đọc giả hãy thử ném một cái nhìn đầu tiên vào bí mật vĩ đại của định mệnh con Người”.
Oswald Spengler
CongQuach (xác minh chủ tài khoản) –
Ấn phẩm chất lượng, bố cục cực kì đẹp mắt. Một tác phẩm triết học đời sống buộc những ai có một tâm hồn lạc quan độc hại, phải thay đổi cách nhìn nhận về thế giới màu hồng đầy hỗn loạn.
Nguyễn Thuỵ Mỹ Uyên (xác minh chủ tài khoản) –
Sách rất hay