Review sách Ý hệ (Ideology) – David Hawkes

Sách triết học là một trong những dòng sách kén người đọc nhất. Để có thể thấu hiểu những triết lý, nội dung mà người viết muốn truyền tải người đọc cần phải có một nền tảng kiến thức nhất định về lịch sử, văn hóa, tôn giáo,…thậm chỉ cả các quy luật, ý thức và ngôn ngữ. Tuy nhiên có những quyển sách triết học không đòi hỏi kiến thức thâm sâu, không quá trừu tượng, “hack não” người đọc. Bài viết dưới đây là một cuốn sách điển hình mà Thư Hiên Dịch Trường muốn giới thiệu đến quý độc giả: “Ý hệ”.

Đôi nét về David Hawkes tác giả cuốn Ý hệ

Cuộc đời của David Hawkes

David Hawkes sinh năm 1964 tại Wales, ông là một Giáo sư tiếng Anh tại Đại học Bang Arizona, Tempe, thuộc tiểu bang Arizona. Ông chính là tác giả của bảy cuốn sách và cũng là người biên tập nhiều cuốn sách khác nhau, trong đó gồm cuốn Ý hệ. Đồng thời ông đã xuất bản hơn 200 bài báo và bài phê bình trên các tạp chí như The Nation, Các nền văn hóa hiện đại, Văn học và Thần học và nhiều ấn phẩm học thuật phổ biến khác.

y-he
Chân dung tác giả David Hawkes

Về học vấn

Hawkes đã tham dự trường toàn diện Stanwell gần Cardiff, xứ Wales. Ông đã lấy bằng Cử nhân tại Đại học Oxford và bằng Thạc sĩ M.Phil. và Tiến sĩ tại Đại học Columbia. Từ năm 1991 đến 2007, Hawkes là phó giáo sư tiếng Anh tại Đại học Lehigh và ông là giáo sư Văn học Anh tại Đại học Bang Arizona. Từ năm 2007 ông đã tổ chức các cuộc thăm viếng tại Đại học Jadavpur, Kolkata… và Đại học Điện lực Bắc Trung Quốc. Ông đã nhận được các giải thưởng như học bổng kéo dài một năm từ National Endowment for the Humanities tại Thư viện Folger Shakespeare và Học bổng William Ringler tại Thư viện Huntington.

Tác phẩm của David Hawkes

  1. Money and Magic in Early Modern Drama
  2. The Reign of Anti-logos: Performance in Postmodernity
  3. Shakespeare và sự phê bình kinh tế
  4. Văn hóa cho vay nặng lãi ở nước Anh thời Phục hưng
  5. John Milton: Người hùng của thời đại chúng ta
  6. Huyền thoại Faust: Tôn giáo và Sự trỗi dậy của Đại diện
  7. Thần tượng của thị trường: Tôn sùng thần tượng và tôn sùng hàng hóa trong văn học Anh, 1580-1680
  8. Ý hệ (Ideology)

Những tác phẩm của Hawkes nhìn chung khám phá mối liên hệ giữa kinh tế học, văn học và triết học từ góc nhìn chống chủ nghĩa tư bản. Ông đề cập cụ thể đến các mối liên hệ về mặt biểu diễn, văn hóa và đạo đức giữa cho vay nặng lãi và tình dục phi sinh sản hay “đồng tính luyến ái”.

Trong bài viết này, xin mời quý độc giả cùng Thư Hiên Dịch Trường tìm hiểu kỹ hơn về cuốn Ý hệ của tác giả David Hawkes.

Giới thiệu sách Ý hệ – David Hawkes

Trong tác phẩm này David Hawkes:
  • Truy vết lịch sử của thuật ngữ ý hệ và những tranh cãi quanh nó, từ machiavelli cho đến nay
  • Thể nghiệm ý hệ trong các khung phê phản của Chủ nghĩa kinh nghiệm, Chủ nghĩa duy lý, Chủ nghĩa Marxist và Chủ nghĩa hậu hiện đại
  • Cung cấp những ví dụ rõ ràng để làm sáng tỏ nhận định của ông
  • Đặt ra câu hỏi tại sao ý hệ lại quan trọng
  • Thảo luận về ý hệ sau ngày 11 tháng 9
  • Khảo sát hoạt động nghiên cứu về lý thuyết ý hệ mới nhất

Mục lục sách Ý hệ

  • Lời nói đầu
  • Dẫn nhập: Ý hệ và sự toàn cầu hóa
  • 1. Những nguồn gốc
  • 2. Thuyết duy nghiệm
  • 3. Thuyết duy tâm
  • 4. Chủ nghĩa Marx
  • 5. Chủ nghĩa Hậu – Marxist
  • 6. Chủ nghĩa hậu hiện đại
  • 7. Ý hệ sau ngày 11 tháng 9

Lần đầu nhìn vào mục lục của Ý hệ, có lẽ độc giả liền nghĩ rằng đây là một cuốn sách lịch sử thuần túy về ý hệ, nhưng thực ra nó còn hơn thế. Giáo sư Văn học David Hawkes tại Đại học Bang Arizona, tác giả cuốn sách, không chỉ bàn về lịch sử ý hệ mà còn phê phán nó. Thông qua sáu chương bàn về sáu thời kỳ, chủ đề cơ bản và trường phái tư tưởng khác nhau, tác giả đã tiến hành nghiên cứu những khái niệm về ý hệ và dần dần chứng tỏ chúng là ý thức sai lầm thông qua nguồn tài liệu đa dạng được thu thập và không chỉ giới hạn ở những tư tưởng của các triết gia lớn mà còn mở rộng đến các tác phẩm văn học, điện ảnh, tâm lý học, nhân học, vân vân. Xử lý nguồn tài liệu đồ sộ đến vậy, Ý hệ nhắm đến trình bày sự mở rộng từng bước một của ý hệ để đạt đến hình thức cao nhất của nó, cũng là cấp độ quyền lực cao nhất của nền kinh tế tư bản đương thời trong mối tương quan với ký hiệu học hậu hiện đại với tư cách là tư tưởng ý hệ của nó. Theo đó, tiền tệ không đơn thuần là một phương tiện trao đổi như trong những giai đoạn trước; trong nền kinh tế tư bản đương thời có đặc điểm tiêu thụ và trao đổi và được chống đỡ bởi tư tưởng ý hệ hậu hiện đại của nó, thay vào đó, tiền tệ trở thành một “sự biểu trưng” hoàn toàn tự trị, một cái biểu đạt không có cái được biểu đạt, tách hẳn khỏi con người và quay lại thống trị toàn bộ cuộc sống con người; hệ quả có thể chỉ ra được từ tình cảnh này là: cuộc đấu tranh về ý hệ đã biến đổi thành một tình trạng phức tạp hơn bao giờ hết. Ngoài 6 chương như đã đề cập ở trên, ấn bản thứ hai của Ý hệ xuất bản năm 2003 bổ sung thêm chương 7 để thảo luận về Ý hệ sau sự kiện ngày 11 tháng 9.

Ý hệ của Giáo sư Hawkes thực sự là một tác phẩm có kiến giải sâu sắc về những vấn đề ý hệ, nó thuộc về sự phê phán ý hệ và xã hội học về tri thức. Cuốn sách này có thể hữu ích và đáng đọc với các chuyên gia và sinh viên quan tâm đến chủ đề này. Độc giả có thể đọc sách này với hai mục đích cùng lúc: nhìn lại lịch sử thuần túy của ý hệ tại những điểm đáng chú ý của nó và đi xa hơn vào khía cạnh phê phán ý hệ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng học được phương pháp trình bày của tác giả theo một cách nào đó, học được cách lắp ghép các mảnh rời lại với nhau, phân tích và sắp xếp chúng theo trật tự, hoặc lấy một số chi tiết làm những ví dụ điển hình để minh họa cho vấn đề

– Ts.Dương Ngọc Dũng.

Y-he
Sách Ý hệ

Tổng quan về sách Ý hệ

Ý hệ là gì?

Ý hệ hay Hệ tư tưởng được hiểu là một tập hợp các niềm tin hoặc triết lý được gán cho một người hoặc một nhóm người, đặc biệt là được tổ chức vì những lý do không hoàn toàn là nhận thức luận, trong đó “các yếu tố thực tiễn cũng được chú trọng như các yếu tố lý thuyết. Trước đây thuật ngữ ý thức hệ được áp dụng chủ yếu cho các lý thuyết và chính sách kinh tế, chính trị hoặc tôn giáo. Nói cách khác những giá trị và niềm tin chuẩn mực này dựa trên những giả định căn bản về thực tại, những giả định này có thể có hay không có một nền tảng thực kiện” – định nghĩa của Ted Honderich trong bộ sách The Oxford Companion To Philosophy, Oxford University Press 1995.

Ý hệ được chia ra thành mấy loại?

Hiện nay trên thế giới chỉ còn 2 loại ý hệ chính đang chi phối các diễn ngôn chính trị toàn cầu:

  • Chủ nghĩa Mác
  • Ý hệ dân chủ phương Tây.

Khi nói đến Chủ nghĩa Mác như một loại ý hệ chúng tôi chủ yếu dựa vào quan điểm của Edgar Morin, cha đẻ của lý thuyết phức hợp. Ông viết: “Chủ nghĩa Mác trở thành ý hệ khi hệ thống mất đi tính phức hợp, khi một trong những phiên bản ý hệ sơ lược hóa của nó thành chủ thuyết chính thống”.

Còn về Ý hệ dân chủ? Edgar Morin nhận xét: “Ý hệ dân chủ chứa đựng trong nó huyền thoại lớn gồm 3 ngôi: Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái. Ở đâu có tình trạng nô dịch, độc tài, toàn trị, thì nó mang đến hi vọng và lời hứa hẹn giải phóng. Ý hệ huyền thoại dân chủ mang trong lòng nó các nguyên lý về khoan dung và đa phương: nó chứa đựng trong trái tim nó một hạt nhân không thể qui giản được và mang tính thế tục: chân lý tuyệt đối độc nhất của chính thể dân chủ không có gì khác với “luật chơi” cho phép các chân lý đối kháng được đối diện với nhau trên địa bàn của nó”. Triết gia Soren cũng nhận xét rằng chưa từng có ý hệ chính trị nào mà không có mang theo trong bản thân nó các yếu tố huyền thoại và thần bí.

Tính chất của Ý hệ

  1. Ý hệ cung cấp cho cá nhân một loại thế giới quan giúp họ đơn giản hóa quá trình ra quyết định.
  2. Ý hệ cũng dính líu đến các giá trị tinh thần / đạo đức giúp định hướng hành vi và trạng thái tâm lý của cá nhân.
  3. Ý hệ có khả năng bị thay thế hay trải qua những cơn đột quỵ, nhồi máu cơ tim dữ dội một khi rất nhiều cá nhân trong xã hội hay các nhóm lợi ích chủ yếu cảm nhận sâu sắc sự không tương thích giữa trải nghiệm của họ về cuộc sống với những cam kết / hứa hẹn / giải thích của ý hệ thống trị về những gì đang diễn ra xung quanh.

Theo nhà kinh tế học D.C. North trong cuốn Structure And Change In Economic History, New York: Norton, (1981).

Cần lưu ý chúng ta không nên hiểu cá nhân trong trạng thái đối lập với xã hội vì cá nhân cũng cưu mang trong bản thân nó toàn bộ các mối quan hệ xã hội. Nghĩa là: cá nhân tạo thành xã hội nhưng xã hội cũng tạo ra cá nhân. Chính mối quan hệ biện chứng này giải thích hiện tượng “Ảo cảnh tập thể” hay những cơn điên cuồng không sao kiểm soát được một khi đám đông lên cơn thịnh nộ hủy diệt một ý hệ cũ và thay thế nó bằng một ý hệ mới. Chức năng của một ý hệ như thế là một chức năng kép: duy trì các huyền thoại/ thế giới quan/ nhân sinh quan/ bản sắc văn hóa xã hội của cá nhân, giúp cá nhân tránh không phải trực tiếp đương đầu với tình trạng hỗn loạn/ phi chuẩn về nhận thức, nhưng đồng thời ý hệ còn có chức năng phê phán/ hủy diệt/ đặt mìn/ ném bom vào những hệ tư tưởng/ thiết chế xã hội/ giáo lý khác có nguy cơ phá sập tính ổn định của ý hệ.

Các nhà xã hội học và triết gia gần như thống nhất ở một nhận xét là: sau một chu kỳ sống nhất định ý hệ, khi từ chối đối thoại, đóng kín trong một hình thức quang phương nhất định mang tính loại trừ, bị hóa thạch, xơ cứng, bê tông hóa, nó có thể trở thành một quái vật đòi hỏi sự sùng bái và trung thành giống như tôn giáo, trở thành một thứ máy chém của tầng lớp thống trị, thẳng tay đưa lên đoạn đầu đài tất cả những gì đối kháng trên đường đi của nó. Nhưng con quái vật này sở dĩ có thể sở hữu một sức mạnh ghê gớm là vì nó có khả năng tự trình diện trước mặt công chúng như đại diện chính thức cho chân lý, đặc biệt là chân lý khoa học. Ý hệ “đóng hộp” một số “tín điều” nhất định theo một công thức cố định (huyền thoại + tôn giáo + bản sắc dân tộc + truyền thống văn hóa + khoa học kỹ thuật + hứa hẹn kinh tế + cung cấp sẵn mô hình tư duy/ cảm nhận) và dán lên cái hộp đó hai chữ “chân lý tuyệt đối.”

Vậy thì bổn phận của một người trí thức là gì khi nhận ra sự xơ cứng của một hệ tư tưởng và muốn làm suy yếu sức mạnh của nó? Trách nhiệm tinh thần/ đạo đức của một người trí thức trong hoàn cảnh đó là: làm rã đông/ mềm hóa những khuôn mẫu nhận thức và kinh nghiệm đã đóng băng và dán nhãn “Chân Lý.” Câu hỏi cần phải đặt ra là: đâu là những dấu hiệu/ tiêu chí giúp chúng ta nhận ra tình trạng bê tông hóa của một ý hệ?

Tác phẩm Ý hệ của tác giả David Hawkes, thông qua bản dịch của bạn Xuân Huy, sẽ giúp độc giả đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó.

Nhận xét, đánh giá của độc giả

“Một cuốn sách ngắn gọn nhưng trình bày vô cùng chặt chẽ về những cách hiểu khác nhau của các nhà triết học trong khái niệm của “ý thức hệ” xuyên suốt lịch sử. Cuốn sách này cung cấp một cái nhìn tổng quát về niềm tin và lý thuyết của một số triết gia quan trọng, và những chương đầu tiên của cuốn sách rất hữu ích cho bất kỳ ai muốn biết thêm về một số cuộc tranh luận lớn trong triết học. “

– Nhận xét của độc giả

“Cuốn Ý hệ hoàn toàn xuất sắc trong mỗi bước đi qua lịch sử của hệ tư tưởng với nhiều định nghĩa được diễn giải rất chặt chẽ”.

– Nhận xét của độc giả

“Tôi không chắc vì sao cuốn sách này không được biết đến nhiều hơn. Việc Hawkes đi qua các hệ tư tưởng từ Cựu Ước đến Descartes đến Zizek là một điểm cực kỳ thú vị. Đây KHÔNG phải một cuốn sách kiểu học thuật khô khan, mà là một bài luận văn đầy thanh lịch với những quan điểm sắc nét và khác biệt. Tôi hiếm khi chọn một cuốn sách học thuật mà cảm thấy say mê. Nhưng trong trường hợp này,  bạn nên thắt sẵn lại dây an toàn.”

– Nhận xét của độc giả

Thư Hiên cám ơn quý đọc giả đã giành thời gian đọc hết bài viết. Nhằm tri ân khách hàng đã đồng hành cùng Thư Hiên Dịch Trường trong suốt thời gian qua chúng tôi đang có chương trình ưu đãi đặc biệt lớn nhất từ trước đến nay. Để biết thêm chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Xem thêm về sách: Ý Hệ

Địa chỉ: Tháp S6, The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 0938336918

Email: thuhiendichtruong@gmail.com

Website: https://thuhiendichtruong.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo