Truyền thống nhận thức trong lịch sử triết học Trung Quốc (P1)

(Ảnh: Internet)

Tóm lược một bài phỏng vấn giáo sư Tu Weiming (Đỗ Duy Minh) bằng Trung Văn đăng trong tuyển tập Nho Gia truyền thống đích hiện đại chuyển hoá do Nhạc Hoa biên tập (Trung Quốc Quảng Bá Điện Thị Xuất Bản Xã, 1992, từ trang 173 đến 191).

 

Bản dịch Việt văn: TS. Dương Ngọc Dũng

Sáng tạo ra triết học bằng cách giải thích truyền thống

Người phỏng vấn: Thưa Đỗ Duy Minh tiên sinh, ngài đã nhiều lần nhấn mạnh “sự hiểu biết đồng tình” (đồng tình liễu giải) đối với các nhà tiên triết cổ đại, do đó đã tiến hành giải thích truyền thống trên một quy mô lớn. Tuy nhiên tôi cảm thấy một trong những căn bệnh tệ hại của văn hoá Trung Quốc chính là do ý nguyện giải thích truyền thống quá mạnh mẽ, bất luận thời gian nào, không gian nào, bất luận phải đối diện với bất kỳ loại thách đố nào, cũng tìm mọi cách truy cầu đáp án từ truyền thống, tìm mọi cách hấp thụ sức mạnh từ truyền thống. Theo phong cách như vậy, hơn hai ngàn năm giới trí thức chỉ còn biết đứng trước một số kinh điển chắp tay sùng bái, đánh mất cả sức mạnh sáng tạo, đánh mất luôn cả khả năng thích ứng, cuối cùng tạo ra một thứ “tự mình chích thuốc độc vào bản thân” (tự thể trúng độc), khiến cho toàn thể xã hội bị sa lầy, đình trệ giữa một thứ bệnh thái thâm trọng. Ngài giải thích ra sao về vấn đề này?

Đỗ Duy Minh: Tôi cho rằng sự kiện này có liên quan đến vấn đề ý thức lịch sử của người Trung Quốc, tức là vấn đề nhân quả và cải cách. Từ đời Hạ đến đời Thương, từ Thương đến Chu, người đời sau đối với người đời trước luôn luôn có mối liên hệ nhân quả và cải cách, điều này có mối quan hệ rất mật thiết với tính kế thừa trong văn hoá Trung Quốc.  Trước tiên chúng ta cần phải phân biệt hai loại hình sáng tạo. Loại hình sáng tạo thứ nhất mang tính chất đột phá. Tính chất này biểu hiện tương đối rõ ràng trong lĩnh vực khoa học. Khoa học phát triển, đôi khi có những bước đột phá các lý luận đi trước, phủ định các lý thuyết đi trước, có khi làm sụp đổ các quyền uy đi trước, sau đó một loại mô hình mới xuất hiện. Loại gãy đổ địa tầng ở bên trong nội bộ như vậy hết sức tự nhiên, mang ý nghĩa tiến bộ, nhảy vọt. Nhưng không hiếm người quan sát cho rằng sự đứt gãy địa tầng không hẳn nghiêm trọng như chúng ta tưởng.

Còn có một loại hình sáng tạo thứ hai, chẳng hạn sáng tạo văn học, cho dù tác phẩm văn học có sáng tạo gì hết sức mới mẻ đi nữa, việc vận dụng ngôn ngữ cũng phải phù hợp với quy tắc hoặc văn pháp có sẵn, những quy tắc này không thể bị vi phạm. Anh chỉ có thể sử dụng ngôn ngữ không phù hợp với văn pháp sáng tạo ra những điều mới mẻ trong một phạm vi giới hạn tự giác. Điều này cũng giống như cuộc vận động cổ văn thời Bắc Tống, trong thời kỳ này đã xuất hiện một số văn hào như Âu Dương Tu, Tô Thức hay Hoàng Đình Kiên, tất cả đều vận dụng cổ văn thuần thục, thực sự đã đạt đến trình độ “bổ phong tróc ảnh” (bắt gió đuổi ảnh) mà văn học bạch thoại hiện đại vẫn chưa sao với tới được. Do đó, sử dụng một cách cực kỳ thuần thục và linh hoạt ngôn ngữ mọi người vẫn thường vận dụng cũng là một hình thái sáng tạo ra cái mới. Loại hình sáng tạo này không giống như loại hình sáng tạo trong khoa học. Nó có tính kế thừa nhất định. Truyền thống Trung Quốc, nếu nói theo ngôn ngữ phương Tây, thông qua việc giải thích mà sáng tạo ra triết học, tức là sáng tạo theo quan điểm của thuyên thích học. Anh nhất định phải hấp thu dưỡng chất từ kinh điển truyền thống rồi mới có thể biểu hiện được quan điểm đặc sắc của riêng anh. Những quan điểm đặc sắc này cũng có thể giúp cho anh hoặc người khác đối với vấn đề vi ngôn đại nghĩa trong kinh điển tiến hành một sự xiển dương và phát huy tiến bộ được một bước. Đây là một loại hình tiến bộ tuần hoàn mà vòng tròn mỗi lúc mỗi được khoáng trương rộng rãi thêm ra. Truyền thống Trung Quốc là một loại truyền thống có ý thức lịch sử rất mạnh mẽ. Tôi không thể nào tiếp thu được quan điểm của một số người đối với văn hoá Trung Quốc cho rằng đây là nền văn hoá có định hướng sùng bái quá khứ, không chịu nhìn về tương lai. Tôi cho rằng văn hoá Trung Quốc là nền văn hoá “suy trần xuất tân” (khai triển cái cũ, làm xuất hiện cái mới), từ trước đến nay vẫn có một sức sống vô cùng mãnh liệt. Nếu không văn hoá Trung Quốc không thể là nền văn hoá vừa trọng cổ vừa trọng kim được. Trên thế giới có rất nhiều nền văn hoá vô cổ hữu kim hay vô kim hữu cổ, nhưng văn hoá hữu cổ hữu kim thì tương đối hiếm. Nền văn hoá truyền thống có sức sống mãnh liệt giống như văn hoá Trung Hoa là một hiện tượng lịch sử độc nhất vô nhị. Truyền thống văn hoá Trung Quốc có tính kế thừa, đã biểu hiện được sức mạnh hưng thịnh của nó trong một thời gian dài. Nếu nói theo ngôn ngữ Kinh Dịch, đây là thành quả của việc “tự cường bất tức” (tự mình nỗ lực tiến bộ không ngơi nghỉ), không thể giản đơn cho rằng văn hoá Trung Quốc là một hiện tượng “tự thể trúng độc”.

Có nhiều người cho rằng sức sống trong văn hoá Trung Quốc, đặc biệt là sức mạnh sáng tạo trong lĩnh vực triết học, đã đạt đến đỉnh cao trong thời kỳ Tiên Tần, sau đó dần dần suy thoái, cho dù ngay trong thời kỳ tương đối sung mãn cũng không thể so sánh với thời Tiên Tần. Quan điểm này tôi không thể tán thành. Tôi cho rằng văn hoá Trung Quốc có nguồn gốc thâm viễn, dòng chảy mạnh mẽ đi rất xa (nguyên viễn lưu trường, ba lan tráng khoát), có khí phách kiêm dung rất lớn, mỗi thời đại đều có cống hiến đặc biệt mang sắc thái tinh tế hiển minh. Khi bàn đến lịch sử tư tưởng Trung Quốc, chắc chắn cần phải quan tâm đến những giai đoạn quan trọng, mỗi giai đoạn đều có nội dung phong phú phi thường, cần phải phát xuất từ nhiều giác độ khác nhau để lý giải các nội dung này.

Ngoài ra vẫn còn một vấn đề nữa. Trước đây chúng ta vẫn xem văn hoá Trung Quốc là khởi nguyên từ một nguồn gốc duy nhất (nhất căn nhi phát), khởi thuỷ từ lưu vực sông Vị thuộc hạ lưu sông Hoàng Hà, dần dần phát triển rộng ra. Tôi cho rằng hiện nay rất ít người tiếp thu được quan điểm này. Văn hoá Trung Quốc thực ra bắt nguồn từ rất nhiều nguồn gốc khác nhau, có văn hoá Trung Nguyên, văn hoá Tây Bắc, văn hoá Sở thuộc Trường Sa, văn hoá Ngô Việt ở Trường Giang, văn hoá Quảng Đông và Vân Nam. Văn hoá Trung Nguyên có bình diện phát triển tương đối rộng rãi, bao gồm văn hoá Tề, Lỗ, văn hoá Yên, Triệu, có nhiều hình thức và chủng loại khác nhau, giữa các nền văn hoá này có sự tác động qua lại (hỗ tương kích đãng), hoà hợp với nhau, dần dần phát triển thành một nền văn hoá tương đối thống nhất. Có thể nói văn hoá Trung Quốc mỗi thời đại đều có sức sống riêng biệt, đều có sự phát triển đặc thù, đều có sự sáng tạo riêng biệt. Từ trước thời Thương, Chu, cho đến bách gia thời Tiên Tần, phái kinh học và sử học đời Lưỡng Hán, huyền học thời Ngụy Tấn, Phật Giáo Tùy Đường, Lý Học đời Tống Nguyên, khảo chứng học đời Thanh cho đến các học thuyết phát sinh sau thời Nha Phiến chiến tranh nhằm thích ứng với phương Tây, cho đến thời hiện đại, mỗi một thời kỳ đều có những vấn đề đặc biệt rất đáng được nghiên cứu, thảo luận. Chúng ta không thể sử dụng mô thức hiểu biết về thời Tiên Tần để giải thích thời Lưỡng Hán, cũng không thể dùng mô thức hiểu biết thời Lưỡng Hán để hiểu thời Ngụy Tấn, không thể dùng mô thức hiểu biết thời Ngụy Tấn để hiểu thời Tùy Đường. Bất kể từ phương diện văn hoá chính trị hay phương diện cấu trúc văn hoá đều không thể hiểu Trung Quốc, một quốc gia có nội dung văn hoá học thuật vô cùng phong phú, một cách đơn giản, thiển cận như vậy được.

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo