Chủ nghĩa dụng hành – William James

Trong cuộc phỏng vấn đề đề tài chủ nghĩa dụng hành trên trang fivebooks.com, Robert Talisse giới thiệu quyển Chủ nghĩa dụng hành của William James là một trong năm quyển sách hay nhất về đề tài này. Tác phẩm này đã được dịch giả Phạm Viêm Phương dịch ra tiếng Việt.

Chủ nghĩa dụng hành William James

Chủ nghĩa thực dụng (dụng hành) William James

Dưới đây là đoạn trích liên quan đến quyển sách Chủ nghĩa dụng hành trong cuộc phỏng vấn với Robert Talisse đăng trên Fivebooks.com:

Về sách Chủ nghĩa dụng hành

Chủ đề đó liên hệ với quyển sách kế tiếp, quyển này mô tả một cách tiếp cận thế giới theo cách rất cảm thông với truy vấn khoa học, và nó nhấn mạnh cách đúng đắn để tiếp tục khám phá thế giới. Đó là Chủ nghĩa dụng hành của William James, một nhà tâm lý học nổi tiếng vào giai đoạn đầu của ngành này, và là anh trai của Henry James.

Điểm thú vị là cả James và Peirce đều là dân khoa học chuyên nghiệp. Peirce là nhà hóa học và James nghiên cứu cơ thể học và là một bác sĩ. James là người đã phổ biến thuật ngữ ‘chủ nghĩa dụng hành’, và ghi nhận Peirce là người đã sáng tạo ra thuật ngữ này. Một mặt, chủ nghĩa dụng hành của James là một lý thuyết về nghĩa ‒ châm ngôn dụng hành ông lấy lại từ Peirce ‒ và, mặt khác, là một lý thuyết về chân lí. Ông lấy lại từ Peirce quan niệm chủ nghĩa dụng hành gồm hai phần, quan niệm về nghĩa và quan niệm nhận thức luận. Người ta dự định dùng nó làm quan điểm khoa học về nghĩa, nó được cho là bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm, để giúp người ta hiểu nghĩa mà nhà khoa học dùng khi họ thực hiện thí nghiệm. James nghĩ rằng nghĩa là những hàm ý về hành vi hay hành xử khi tin một mệnh đề hoặc một phát biểu. James nghĩ rằng một phần của nghĩa của một phát biểu thậm chí có thể là ‒ và đây là một trong những cách tân của James mà Peirce không chấp nhận ‒ những hàm ý đối với sức khỏe tâm lý của bạn.

William James

 

Chủ nghĩa dụng hành lạ lùng

Câu hỏi: Đây là chỗ chủ nghĩa dụng hành tỏ ra lạ lùng, bởi vì không phải William James sử dụng phong cách tư duy đó để gợi ý rằng khi ai đó nói họ tin vào Thượng Đề thì đó thật ra là một phát biểu về những tác động tâm lý của niềm tin đó sao?

Trả lời:

Phải, đây là quan điểm bắt đầu thay đổi trong tay James. Điểm thật sự quan trọng để hiểu động cơ gì khiến James nói một điều như thế là: đó là điểm giằng xé trong tiểu sử của ông. Chính do những huấn luyện khoa học của ông: ông vẫn được xem là cha đẻ của tâm lý học thực nghiệm hiện đại, ông biết cách điều hành một phòng thí nghiệm và làm thí nghiệm. Khi đọc The Principles of Psychology, người ta thấy đó là sự đo đạc phức tạp với những điều rất khó đo đạc. Ông thật sự là một nhà tâm lý học giỏi. Nhưng chính tính khí của ông đã thu hút ông đến với nhiều loại thuyết duy linh. Ông có khí chất tôn giáo. Nhiều lúc trong đời, ông tin vào ma quỷ và linh hồn. Thực tế là đến cuối đời, ông bắt đầu khảo sát, bằng phương pháp khoa học, những điều mang tính siêu linh và cận tâm lý học. Cho nên ông cũng có một khía cạnh ma quái, và ông xem chủ nghĩa dụng hành như một loại chủ nghĩa duy nghiệm ‒ không giống với chủ nghĩa duy nghiệm logic của những nhà thực chứng logic ‒ sẽ thân thiện hơn với tôn giáo, tâm linh, và các giá trị, theo ý nghĩa rất rộng của thuật ngữ này. James nghĩ không ngừng về “cảm giác ở nhà trong vũ trụ”. Một phần động cơ thôi thúc chủ nghĩa dụng hành của ông là nỗ lực hòa giải quan điểm khoa học, cứng rắn về thế giới với quan niệm tôn giáo, duy linh về vị trí của chúng ta trong vũ trụ, hai lực đẩy ông cảm nhận rất mạnh.

Do đó, cách vận hành của nó là: chúng ta được cho là hiểu nghĩa của những mệnh đề theo những hàm ý của hành vi của chúng ta ‒ hành vi của chúng ta được định nghĩa rất rộng đến mức bao gồm những trạng thái tâm lý, cách xử thế, và thái độ của chúng ta. Chúng ta hiểu mệnh đề nghĩa gì thông qua nó sẽ dẫn chúng ta đến hành động như thế nào. Thế thì, có quan niệm về chân lý, và một mệnh đề là đúng trong chừng mực nó dẫn chúng ta đến hành động theo cách nào thành công, hay cách hành động nào tốt cho chúng ta. Đây là quan niệm về chân lý gây bối rối, theo triết học mà nói. Thật khó lập định nó theo cách nghe hợp lý và không ngu ngốc. Khi James nói những điều có phần bất cẩn “Chân lý là những gì hữu hiệu/ làm việc”, ông tự khiến mình ‒ tôi nghĩ không cần thiết ‒ nhận nhiều phê bình đích đáng. Chân lý là những gì hiệu quả/làm việc sao? Nếu tôi tin rằng tôi là một anh chàng rất đẹp trai, nó có thể có hiệu quả cho nhiều mục đích khác nhau. Nó không thể là đúng. Đây là những kiểu phát biểu từ những năm 1900 đã bị Bertrand Russell và G. E. Moore phê bình. Nó dường như là một quan niệm điên loạn về chân lí. Nhưng tôi nghĩ nó là quan niệm đặc sắc hơn James đôi khi gợi ý. Nó là quan điểm nói chúng ta có những niềm tin vì những mục đích nhất định. Niềm tin là công cụ. Một niềm tin giống như một chiếc búa hay một chiếc kéo. Nó được cho là công cụ làm việc, theo mặt hành vi, nó được cho là hướng dẫn những hành động của chúng ta. James nghĩ rằng chân lý của một niềm tin phải được hiểu theo sự thành công nó mang lại cho hành động của chúng ta khi nó được dùng làm hướng dẫn cho chúng ta. Khi bạn nói theo cách ấy, có nhiều phản bác có thể được đưa ra và nhiều vấn đề phát sinh, nhưng nó không phải là một ý tưởng ngu ngốc, có thể bác bỏ dễ dàng như khi nói “chân lý là những gì hiệu quả/làm việc”.

Nhận xét về sách Chủ nghĩa dụng hành

“Chắc chắn rồi. Nếu ai đó từng muốn đọc một quyển sách triết học về chân lý, nghĩa, tôn giáo, và siêu hình học nhẹ nhàng ‒ nếu bạn có thể học sách bên hồ ‒ Chủ nghĩa dụng hành của James là một tác phẩm triết học được viết xuất sắc. Tôi không nghĩ có gì quá đáng khi nói William là một cây bút hay hơn em trai của ông.”

Robert Talisse

THƯ HIÊN DỊCH TRƯỜNG

Thư Hiên Dịch Trường có 3 hoạt động chính: Thư viện, xuất bản sách và dịch trường.

Địa chỉ: Tháp S6, The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM

Điện thoại: 0938 336 918 

Email: thuhiendichtruong@gmail |  Website: thuhiendichtruong.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo