NGƯỜI TỪNG DỰ BÁO VỀ ĐỨC QUỐC XÃ

Jonathan Kirshner, The New York Times, December 8, 2019
Năm 1919, John Maynard Keynes đã dự báo về sự hỗn loạn – hậu quả của Hòa ước Versailles.

*

Ngày 8 tháng 12 năm 1919, Nhà xuất bản Macmillan xuất bản cuốn sách của một công chức Bộ Tài chính Anh khá vô danh, người vốn đã xin thôi việc khỏi chính phủ để phản đối Hòa ước Versailles – một hiệp ước sẽ đưa những chấn thương của Thế chiến thứ Nhất lên đến đỉnh điểm.

Một chuyên luận nhỏ, do một công chức viết, đã tìm cách giải thích về “các căn cứ của mình để phản đối bản Hiệp ước, hay đúng hơn là toàn bộ chính sách của Hội nghị [Versailles] đối với các vấn đề kinh tế của châu Âu”. Với số lượng phát hành vừa phải, 5.000 bản, có vẻ phù hợp với sự bất đồng của một nhà kỹ trị, trong đó có các đoạn chi tiết tỉ mỉ, soi xét kỹ lưỡng về lịch sử và triển vọng của những vấn đề như việc sản xuất và các thị trường xuất khẩu than của Đức.

Cuốn sách “Các hậu quả kinh tế của hòa bình”, hóa ra lại trở thành một hiện tượng. Nó nhanh chóng được tái bản tới 5 lần, được dịch ra hàng chục ngôn ngữ, bán được hơn 100.000 bản và mang lại sự nổi tiếng trên toàn thế giới cho tác giả 36 tuổi của nó – John Maynard Keynes.

Một học giả xuất sắc và không biết mệt mỏi, một trí thức vị đại chúng, một nhà báo, một nhà cố vấn chính phủ và một nhà sưu tập các tác phẩm hội họa – Keynes sẽ là trung tâm của mọi điều vốn sẽ giúp cân bằng cuộc sống của ông. Cuộc cách mạng Keynes đã tái tạo lại kinh tế học suốt thập niên 1930, và tiếp tục định hình lĩnh vực này cho tới nay. Keynes, một lần nữa đại diện Bộ Tài chính Anh trong Thế chiến II, là kiến trúc sư trí tuệ chủ yếu của trật tự quốc tế sau chiến tranh. Nhưng ông bắt đầu sự nghiệp như một nhà bất đồng chính kiến.

 Cuốn sách “Các hậu quả kinh tế…” được viết một cách rất trang trọng – Keynes thân thiết với nhóm nghệ sĩ và nhà văn tiên phong của nhóm Bloomsbury, và những miêu tả thẳng thắn, chân thực của ông về những người kiến tạo hòa bình (Georges Clemenceau, David Lloyd George và Woodrow Wilson) đã phản ánh sự ảnh hưởng đầy khoáng đạt của cuốn sách “Những cá nhân kiệt xuất thời Victorian” của tác giả Lytton Strachey. Cuốn sách này cũng gây tranh cãi dữ dội vì những đánh giá về khả năng của Đức trong việc chi trả các khoản bồi thường mà các cường quốc Đồng minh chiến thắng đã yêu cầu.
 Các kết luận quan trọng nhất trong cuốn sách Keynes về cơ bản là chính xác. Nhưng nó đã bị hiểu lầm phần lớn, suốt từ thời điểm đó đến nay. Những đóng góp lâu dài của cuốn sách được tìm thấy không nằm trong lập luận bất đồng chính kiến đầu tiên của Keynes (ông phản đối bản Hòa ước này), mà ở trong lập luận thứ hai, “về các vấn đề kinh tế của châu Âu”. Keynes đã báo động về sự mong manh của trật tự châu Âu [sau Thế chiến].
 Keynes lập luận rằng, trong khi nhiều người châu Âu đang hân hoan chào đón một kỷ nguyên mới của nền kinh tế lục địa, thì quá nhiều tàn dư cuộc chiến đang bám chắc vào các mạng lưới và nền tảng, vốn được xây dựng công phu nhưng bị đánh giá thấp. Ông viết: “Các yếu tố bất ổn, xuất hiện khi chiến tranh nổ ra”, vốn đã bị xóa sổ sau những năm hậu chiến – nhưng sau đó lại không được thay thế bằng những thứ ổn định hơn. Tái lập trật tự kinh tế tổng quát, mà không cần đến những sự trừng phạt đầy thiển cận, là điều cấp bách nhất tại thời điểm này. Theo ông, đó là sự thất bại nghiêm trọng của “hòa bình” – không chỉ [ở Hòa ước] Versailles, mà toàn bộ khuôn khổ chính trị và kinh tế mà nó được viết ra.
 Và vì vậy, sau đó và kể từ đó, bởi các nhà kinh tế học và sử học không nghi ngờ về các vấn đề khác – ví dụ như việc liệu Keynes có đánh giá thấp năng lực của Đức trong việc chi trả tiền bồi thường chiến tranh hay không – nên họ đã bỏ lỡ điểm quan trọng hơn hơn. Keynes chắc chắn đã sai. Nhưng những lập luận của ông về cuộc khủng hoảng mà Châu Âu phải đối mặt và về những gì mà bản Hòa ước sẽ không thực hiện được là hoàn toàn chính xác.
 Keynes nhận ra rằng chiến tranh đã “làm rung chuyển hệ thống này đến mức gây nguy hiểm cho cuộc sống của toàn bộ châu Âu”. Nhưng bản hiệp ước này “không bao gồm các điều khoản cho việc tái thiết kinh tế châu Âu – không có gì để biến các đế quốc Trung tâm thành những hàng xóm tốt, không có gì để ổn định các nhà nước mới của Châu Âu”, không có gì để khôi phục lại “các nền tài chính đầy hỗn loạn của Pháp và Ý”. Ông lập luận: “Về cơ bản, việc buộc Đức phải quy phục sẽ gieo mầm cho sự suy đồi của toàn bộ đời sống văn minh của châu Âu”.
 Keynes đang có một góc nhìn tốt để nắm bắt mức độ nghiêm trọng của sự hỗn loạn nguy hiểm bậc nhất về kinh tế vĩ mô này. Tại Kho bạc của Vương quốc Anh, trong suốt những năm chiến tranh, ông có nhiệm vụ dự trữ tài chính cho nước Anh để giữ cho nỗ lực chiến tranh không bị gián đoạn. Tại Hội nghị Hòa bình Paris, ông là đại diện chính thức của Kho bạc; ngoài ra, Austen Chamberlain – Bộ trưởng Tài chính Anh đã yêu cầu Keynes ở lại Anh. Ông đã được giao nhiệm vụ đại diện cho Bộ trưởng trong Hội đồng Kinh tế Tối cao.
nguoi-tung-du-bao-ve-duc-quoc-xa
Biểu tượng của Đức Quốc Xã
 Đến Paris vào ngày 10 tháng 1, ông nhanh chóng bị ném vào vòng xoáy. Không thể gặp gỡ với các nhà tài chính Đức, chàng tuổi trẻ đến từ Kho bạc Trung ương Anh đã thương lượng các điều khoản của một lô hàng thực phẩm khẩn cấp đến Đức, khi đất nước này đứng trên bờ vực của nạn đói.
 Sau này, Keynes sẽ mô tả những sự kiện đó trong một trong những bài tiểu luận dài nhất và hay nhất của ông “Tiến sĩ Melchior: Kẻ thù bị đánh bại”, mà ông thuyết trình trong hai cuộc họp kín đầy thân mật của Câu lạc bộ Hồi ức Cambridge & Bloomsbury. Virginia Woolf trở về nhà sau cuộc họp thứ hai và viết một bài ghi chú, ca ngợi phẩm tính văn chương xuất sắc của bài tiểu luận này; đó là một trong hai tác phẩm xuất sắc (cùng với tiểu luận “Những tín điều ban đầu của tôi”) mà người ta xin phép Keynes được xuất bản sau khi ông qua đời.
Bối cảnh trong bài tiểu luận này đầy chất điện ảnh: “Một lát sau, chúng tôi được các nhà tài chính Đức gọi trở lại phòng khách. Cỗ xe ngựa thì nhỏ, nhưng lại chở rất nhiều người, đông như đoàn của chúng tôi vậy. Chúng tôi nên hành xử thế nào? Chúng tôi nên bắt tay? Chúng tôi chen chúc trong xe với một cái bàn nhỏ giữa chúng tôi và kẻ thù. Họ len vào xe ngựa, cúi đầu một cách đầy miễn cưỡng. Chúng tôi cũng miễn cưỡng cúi đầu, vì một số người trong chúng tôi chưa từng làm vậy trước đó. Chúng tôi lo lắng thực hiện một động tác như muốn bắt tay và sau đó đã làm vậy. Tôi hỏi họ, bằng một giọng nói dễ chịu có chủ ý, rằng họ có thể nói tiếng Anh không”.
 Với một vài ứng khẩu qua lại đầy ngẫu hứng, Keynes đã đưa những cuộc đàm phán khởi động đầy khiêm tốn này đến một kết luận thành công. Tuy nhiên, tiến trình hòa bình rộng lớn hơn chỉ là màn cuối của một vở bi kịch dài – và Keynes đang ngồi hàng ghế đầu.
Như nhà sử học Eric Weitz mô tả, các đại diện của Đức đã phản ứng lại “với sự hoài nghi đáng kinh ngạc” về các điều khoản mà họ vừa được trình bày. Trên đường trở về, khi các chi tiết trở nên công khai, phản ứng là sốc và tức giận. Hai bên đã trắng tay trong cuộc chiến, chiến đấu đến bế tắc cho đến khi nước Mỹ xa xôi quyết định vượt qua sự cân bằng quyền lực. Nước Đức, vốn đang không có quân đội nước ngoài trên đất nước mình, tưởng tượng rằng nó đang mặc cả cho một cuộc đàm phán tiến tới hòa bình với tư cách kẻ thua cuộc, không khuất phục trước sự đầu hàng vô điều kiện: các thuộc địa bị tước đoạt, lãnh thổ bị mất, hải quân bị giải tán và bị trả thù.
 Keynes, như ông sẽ viết trong cuốn “Các hậu quả kinh tế…”, và nhấn mạnh nhiều lần sau khi xuất bản, rằng ông đã “quan tâm đến không phải sự công bằng của bản Hòa ước”, mà là với “sự sáng suốt và với những hậu quả của nó”. Ở sau hậu trường, ông đã nhìn xa hơn.
 Vào tháng Tư, “kế hoạch hành động” lớn của ông đã bùng lên hi vọng được chấp nhận: những khoản bồi thường khiêm tốn (với phần của Anh nhượng lại cho các nạn nhân khác bị thiệt hại do sự xâm lược của Đức), hủy bỏ tất cả các khoản nợ trong chiến tranh trong nội bộ các quốc gia Đồng minh (Mỹ sẽ gánh chịu gánh nặng tài chính đó), thành lập một khu vực thương mại châu Âu tự do (để vượt qua sự hỗn loạn có thể xảy ra trong thương mại quốc tế bởi sự chắp vá lộn xộn của các quốc gia mới xuất hiện ở phía Đông), và một khoản vay quốc tế mới cho lục địa châu Âu để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn do mất cân bằng kinh tế.
 Điều này gần với sự ngây thơ chính trị: người Mỹ sẽ không dễ dàng tham gia với tiền của họ, giống như người Pháp cũng sẽ không dễ dàng tham gia bởi khát vọng báo thù của mình. Và trong cuộc bầu cử năm 1918, các chính trị gia Anh đã mệt mỏi đưa ra một lời hứa nổi tiếng rằng sẽ buộc Đức phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ chi phí của cuộc chiến, một lời hứa sẽ vắt kiệt đất nước này như một quả chanh cho đến khi cạn nước.
 Nhưng đối với Keynes, phần thưởng dành cho ông rất tương xứng với nỗ lực. Các nhà sử học đã tập trung vào đề xuất bồi thường đầy nương nhẹ của ông, nhưng tại thời điểm đó, ông thậm chí còn mạnh tay hơn với các khoản nợ trong nội bộ các quốc gia Đồng minh. Ông đã viết trong một bản Tóm tắt nội bộ của Bộ Tài chính, rằng với những nghĩa vụ đó sẽ là “một mối đe dọa cho sự ổn định tài chính ở mọi nơi”, tạo ra “gánh nặng tài chính khủng khiếp”, và là “nguồn gốc để liên tục tạo ra những xung đột quốc tế”. Một trật tự tài chính quốc tế phải là một cái gì đó rộng lớn hơn các văn tự nợ, và bồi thường khó có thể “thực hiện trong một ngày”.
nguoi-tung-du-bao-ve-duc-quoc-xa
Vào ngày 14 tháng 5 năm 1919, ông gửi một bức thư đầy đau khổ cho mẹ mình, nói với bà về kế hoạch từ chức của mình, nhưng ba tuần sau đó thư mới được gửi đi, do ông “quá mệt mỏi với những gì đang diễn ra”. Ông đã gửi đơn từ chức chính thức cho Thủ tướng Lloyd George vào ngày 5 tháng 6, trở về nhà xoa dịu vết thương lòng của mình, và sau đó chuyển niềm đam mê của mình vào việc viết cuốn “Các hậu quả kinh tế…”.
Keynes đã tiến hành một chiến dịch trí tuệ cùng với cuốn sách của mình, mặc dù thành công rực rỡ, nhưng lại ít có ảnh hưởng đến các chính sách đối ngoại của các cường quốc có liên quan. Viết trên tạp chí Everybody’s Weekly cho độc giả Mỹ, ông lặp lại những lập luận được tìm thấy trên trang đầu tiên của cuốn sách: “Đức chịu trách nhiệm đặc biệt và chủ yếu” đối với cuộc chiến tranh bởi “tính rộng lớn và tàn khốc của nó”. Nhưng bản Hòa ước “sẽ khiến châu Âu bất ổn hơn những gì nó đang trải qua”, và lợi ích [của các quốc gia châu Âu], chứ không phải sự trả thù, phải là ngọn hải đăng để hướng dẫn tiến trình lập định chính sách. Ông nói thêm: “Sẽ là một thảm họa cho thế giới nếu nước Mỹ tự cô lập mình”.
Trong phần mở đầu của ấn bản tiếng Pháp của cuốn sách, ông đã hỏi một cách ý nhị: “Liệu nước Pháp có được an toàn bởi vì các nhà tù của nó được xây dựng bên sông Mississippi” khi mà “sự đổ máu, khốn cùng và cuồng tín đang lên ngôi suốt từ phía Đông sông Rhine và tiếp tục tràn qua hai lục địa?”.
Ít người đã lắng nghe lời cảnh tỉnh ấy. Những lời có cánh ngắn gọn của người Mỹ với chủ nghĩa quốc tế của Wilson đã dẫn đến sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bản địa bài ngoại. Vốn luôn dành ưu tiên đối với các vấn đề nội trị trước khi quan tâm đến các vấn đề toàn cầu, cùng với lập trường kiên quyết về vấn đề trả các khoản nợ do chiến tranh, Hoa Kỳ đã ngoan cố và thúc đẩy nhanh chóng các thảm họa kinh tế của Châu Âu.
Pháp đã tìm cách thi hành bản Hòa ước, thậm chí chiếm đóng vùng Thung lũng sông Ruhr vào tháng 1 năm 1923, để đáp lại sự thất bại của Đức trong việc đáp ứng nghĩa vụ bồi thường. Chiến dịch quân sự này kéo dài hai năm rưỡi và đã gặp phải sự kháng cự thụ động, cùng với sự bùng nổ của siêu lạm phát, dường như đã chứng minh quan điểm của Keynes.
Sự cân bằng của thập niên 1920 thật mong manh: những tia sáng của sự tiến bộ và hợp tác đã rất ít tác dụng để khắc phục những vấn đề lớn mà Keynes đã xác định ngay từ đầu – các nền tài chính mong manh và những mối lo lắng chính trị đang sôi sục ngay bên dưới bề mặt. Một cú hích mạnh mẽ sẽ khiến tất cả sụp đổ, và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1931 đã trở nên tồi tệ hơn bởi việc tìm kiếm lợi thế chính trị của Pháp, vào thời điểm các ngân hàng Áo và Đức đã bắt đầu có dấu hiệu đổ vỡ.
Như Keynes đã lưu ý vào thời điểm đó: “Cuộc khủng hoảng năm 1931 tại Đức, vốn đang khiến cả thế giới ngạc nhiên hơn mức cần thiết, về bản chất là một cuộc khủng hoảng ngân hàng, mặc dù đã kết thúc, không còn nghi ngờ gì nữa, bởi các sự kiện chính trị và những nỗi sợ hãi chính trị”.
Những sự kiện chính trị đó có nghĩa là cuộc khủng hoảng không được kiềm chế. Nó vượt khỏi tầm kiểm soát, khiến nền kinh tế thế giới rơi vào vực sâu của cuộc Đại suy thoái và trực tiếp góp phần vào sự phát triển của chủ nghĩa phát-xít ở Đức và Nhật Bản.
Keynes lập luận trong “Những hậu quả kinh tế…”: “Con người không phải luôn chết trong thầm lặng; trong đau khổ, họ có thể lật đổ tàn dư của sự trật tự, và nhấn chìm nền văn minh”. Một thế hệ sau, nhà ngoại giao Ha Kỳ George F. Kennan sẽ lập luận rằng sự khủng khiếp của chính sách đối ngoại [của Hoa Kỳ] trong thập niên 1930 có thể bắt nguồn từ những cơ hội bị bỏ lỡ của thập niên 1920. Keynes hẳn sẽ đồng ý.
* Tiến sĩ Kirshner là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Boston
Nguyễn Trung Kiên dịch
 
3/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo