Điện ảnh, Văn học và chữ A màu đỏ

(Ảnh: Internet)

Chữ A Màu Đỏ (The Scarlet Letter) là một kiệt tác văn học Mỹ thế kỷ 19. Tác giả là Nathaniel Hawthorne (1804-1864), một nhân viên sở thuế hải quan trong bang Massachusetts. Bối cảnh của cuốn tiểu thuyết nói trên cũng nằm ngay trong bang Massachusetts. Bến cảng Plymouth, trong thế kỷ 17 đã bao lần đón những tín đồ Thanh Giáo (Puritans) Anh vượt biển tìm tự do tín ngưỡng, ngày nay vẫn giữ nguyên khung cảnh ngày xưa để thu hút khách tham quan. Câu truyện thật đơn giản nhưng cũng đầy kịch tính: nàng Hester Prynne, đã có chồng tại Anh, đến Mỹ lập nghiệp. Nghiệp đâu thì chưa thấy đã thấy “nợ”: Hester sa vào lưới tình với chàng mục sư trẻ tuổi Arthur Dimmelsdale và có thai. Đây là một tội nghiêm trọng trong cộng đồng các tín đồ Thanh Giáo. Kẻ có tội có thể bị tử hình bằng phương pháp treo cổ. Thống đốc bang đề nghị khoan hồng cho Hester nếu nàng chịu khai tên “tác giả” đứa con đang nằm trong bụng. Nhưng Hester cương quyết từ chối. Toà xử nàng phải đeo một chữ A màu đỏ trước ngực suốt đời. “A” có nghĩa là “adultery” (ngoại tình). Chàng Arthur đau khổ, hối hận, cũng âm thầm tự khắc lên thân thể một chữ A tương tự. Chồng của Hester sau đó cũng từ Anh vượt biển đến nơi và khi biết vợ phản bội đã dùng một tên giả định cư ngay cùng một thị trấn với Hester và Arthur để “truy tầm” ra thủ phạm đã cho ông mọc sừng và trả thù thật đích đáng.

Tác phẩm này lại mới được chuyển thể điện ảnh (cùng tên với tác phẩm) với hai ngôi sao Demi Moore và Gary Oldman. Demi Moore đẹp não nùng trong vai một phụ nữ cương quyết đấu tranh cho tình yêu khiến khán giả quên tuốt đi rằng nếu tác giả Nathaniel Hawthorne được phép sống lại để chiêm ngưỡng cuốn phim này chắc chắn ông sẽ khóc thét lên và lìa trần lần thứ hai. Trong phim chàng Arthur và nàng Hester biến thành Romeo và Juliet của Mỹ, yêu nhau mùi mẫn bốc trời mây. Gary Oldman thủ vai một người hùng đầy nam tính, trong khi nạn nhân bị cắm sừng, chồng Hester, được mô tả như một thứ quỉ Satăng đầy nham hiểm, độc ác. Cuối cùng “chàng” liên kết với mọi da đỏ cho “quỉ mọc sừng” một trận te tua, cứu nàng chạy thoát được dây thừng treo cổ, dông thẳng qua bang California và sống hạnh phúc ở đó. Khán giả chắc chắn ra về trong sự hả hê vì một kết thúc có hậu, không biết rằng Hawthorne tác giả đang chưởi thề ở bên kia thế giới.

Trong tiểu thuyết thì khác hẳn. Chàng Arthur bị chết trong tâm trạng dằn vặt đầy hối hận khi đi lạc ra khỏi con đường của Chúa đã vạch ra cho một tu sĩ. Ngay cả ông chồng sau khi trả được thù cũng chết trong sự ân hận nên đã để toàn bộ gia sản cho cô bé Pearl, con của Hester và Arthur. Kết thúc thật nặng nề, buồn thảm. Bao nhiêu học giả đã thảo luận tác phẩm này mà vẫn không đưa ra được một giải thích thoả đáng: tác giả Hawthorne đứng về phe nào: phe của Hester đấu tranh cho tự do yêu đương hay phe đạo đức Thanh Giáo lên án tất cả mọi xúc cảm lãng mạn là phi luân, vô đạo đức? Thật ra thì Hawthorne đã tránh né đưa ra một chủ đề thật minh bạch. Trong nhân vật Hester chúng ta tìm thấy lời biện luận hùng hồn cho một tình yêu rực cháy, bất chấp mọi qui luật xã hội, thách thức nền tảng của tôn giáo. Nhưng trong nhân vật Arthur chúng ta lại tìm thấy một lời khẳng định ngược lại: tình yêu là tội lỗi xấu xa, việc anh sa ngã chỉ chứng tỏ giáo lý Thanh Giáo hoàn toàn đúng: con người ai cũng là tội nhân trong con mắt Chúa. Phải nắm vững giáo lý của Thanh Giáo chúng ta mới hiểu được tâm trạng của Arthur hay nhân vật Goodman Brown trong truyện ngắn Young Goodman Brown mà mọi nhà phê bình đều cho là truyện ngắn hay nhất của Hawthorne. Arthur không hề cho rằng việc anh làm là đúng, trong khi Hester khẳng định sự thật phải phát xuất từ con tim, nơi cư ngụ của những đam mê cuồng nhiệt, bất chấp tiếng nói tỉnh táo của lý trí. Phân tích cuốn tiểu thuyết này chúng ta phải tách cặp tình nhân này ra làm hai tuyến chủ đề đối lập nhau: Hester tượng trưng cho tình yêu hiểu như một khát vọng mạnh mẽ vượt ra khỏi mọi sự khống chế. Arthur tượng trưng cho tình cảm tôn giáo đồng hoá sự gần gũi nam nữ chỉ chứng minh tính động vật sẵn có trong con người và ngăn cản hắn hướng đến các mục tiêu tâm linh cao cả. Và dĩ nhiên Hawthorne không về phe ai cả. Ông không đưa ra câu trả lời cuối cùng vì trong cuộc sống không hề có những câu trả lời cuối cùng, những giải pháp dứt khoát một lần cho mãi mãi về sau. Mỗi một con người phải tự tìm lấy đáp số cho các ẩn ngữ trong cuộc sống. Cũng như Hester tin tưởng rằng rồi một thế giới tươi sáng sẽ đến trong tương lai khi quan hệ nam nữ được xác lập trên một nền tảng đem đến hạnh phúc cho nhau, nhưng nàng không cho mình có đủ khả năng để làm một đấng tiên tri.

Một thiên thần sẽ mang đến tin vui trong một tương lai xa vời, nhưng thiên thần đó trong trắng, tinh khôi, chứ không dơ bẩn, tội lỗi như nàng. Trong những ý nghĩ này của Hester dường như chúng ta đã chứng kiến sự kết thúc buồn thảm của một trái tim nồng nhiệt. Cuộc đời mà nàng đang sống, đang phải sống, không có lời giải đáp và cũng không mở cửa dẫn đến một lời giải đáp. Kẻ đóng lại cánh cửa từ bên ngoài chính là luân lý của Thanh Giáo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo