Nhân vật chính của Châu Giang cố sự đương nhiên là dòng Châu Giang, một nhân chứng sống động của lịch sử Trung Quốc hiện đại với biết bao thăng trầm biến đổi, những vật và chuyển mình “thoát thai hoán cốt” (như chính lời của tác giả) đi từ bờ bên này của tối tăm và đau khổ để sang đến bờ bên kia của phồn vinh và hạnh phúc.
Về tác giả của Châu Giang cố sự – Trương Thắng Hữu
Trương Thắng Hữu là một tên tuổi khá xa lạ đối với bạn đọc Việt Nam. Thậm chí ngay cả những nhà Trung Quốc học cũng hiếm người biết đến ông, nhưng tại Trung Quốc thì tên tuổi Trương Thắng Hữu chẳng còn xa lạ gì với độc giả của tờ Quang Minh Nhật Báo. Bản thân Trương Thắng Hữu từng nhiều năm gắn bó với tờ báo này với nhiều chức vụ quan trọng khác nhau sau khi tốt nghiệp Đại học Phúc Đán năm 1982. Tác phẩm của ông tập hợp lại cũng khá đồ sộ, hầu hết đều chưa được dịch sang Việt ngữ, và hầu hết chuyên về thể loại phóng sự mang đậm sắc thái lịch sử trong nghĩa bao quát nhất của từ này. Châu Giang cố sự chính là một tác phẩm tiêu biểu của thế loại này.
Nội dung sách Châu Giang cố sự
Nhân vật chính của Châu Giang cố sự đương nhiên là dòng Châu Giang, một nhân chứng sống động của lịch sử Trung Quốc hiện đại với biết bao thăng trầm biến đổi, những vật và chuyển mình “thoát thai hoán cốt” (như chính lời của tác giả) đi từ bờ bên này của tối tăm và đau khổ để sang đến bờ bên kia của phồn vinh và hạnh phúc. Và cuộc hành trình thực sự vẫn chưa kết thúc: bờ bên kia vẫn còn xa tít, nhưng đã nhận thấy tương đối rõ ràng, những kẻ “dò đá qua sông” (mô thạch quá hà) đã bớt tranh cãi với nhau về định hướng. Bây giờ thì họ tranh cãi về những chủ đề khác: Thế nào là phát triển bền vững? Bảo vệ sinh thái là trách nhiệm của chính quyền hay của nhân dân? Tĩnh hình “một tay bảo vệ, tay kia phá hoại” hiện nay đang làm suy thoái nghiêm trọng tình hình quản lý tài nguyên và sinh thái tại Trung Quốc. Và còn nhiều vấn đề khác nữa thuộc đặc sản riêng của bối cảnh Trung Quốc vừa công nghiệp hóa vừa phải xây dựng một thể chế dân chủ pháp trị tương thích với đà phát triển của xã hội.
Thâm Quyến ngày nay
Trong Châu Giang cố sự, tác giả đã trình bày cuộc cải cách tại khu vực Châu Giang, mà điểm đột phá chính là Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến (Thâm Trấn), một cách tương đối có hệ thống, ngắn gọn, và không thiếu chiều sâu. Có thể nói đây là phiến đoạn lịch sử Thâm Quyến trong thời kỳ gay go nhất, mang tính sống còn, của lịch sử đất nước Trung Quốc. Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, theo sự trình bày của tác giả, hiện ra trong tầm mắt của độc giả như những nhà bảo sanh hay phòng thí nghiệm trong đó tất cả người dân Trung Quốc đều chăm chú và hồi hộp theo dõi sự ra đời của một tư tưởng mới, một sản phẩm mới, một thế hệ mới. Quá trình thai nghén, sinh ra, lớn lên và trưởng thành của Thâm Quyến cùng chính là quá trình phát triển nói chung của đất nước Trung Quốc trong nỗ lực thoát ly sự ám ảnh dai dẳng của lối tư duy tả khuynh của thời kỳ đã qua. Bài học của Trung Quốc phải chăng cũng có thể là bài học của Việt Nam? Nghiên cứu lịch sử cải cách của Trung Quốc hiện đại không phải chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu tri thức lý thuyết đơn thuần: việc nghiên cứu này có thể giúp những người trong cương vị lãnh đạo rút ra những bài học thực tiễn, những kinh nghiệm cụ thể để ứng dụng vào việc giải quyết hay dự báo những vấn đề thuộc chính sách kinh tế – xã hội – sinh thái vĩ mô.
Nhận xét, đánh giá về sách Châu Giang cố sự
Đánh giá một cuốn sách cũng phải căn cứ vào ý đồ của tác phẩm. Tuy không được phát biểu một cách rõ ràng nhưng ý đồ của tác giả và tác phẩm cũng có thể nhận xét được qua phong cách và nội dung trình bày cũng như qua cấu trúc hình thức của tác phẩm. Châu Giang cố sự rất ngắn (chỉ có 117 trang), rất nhiều hình ảnh màu minh họa, và không hề có thư mục tham khảo. Tác giả cũng không hề trích dẫn từ bất kỳ chuyên gia nào trong khi trình bày. Như vậy tác phẩm này nhắm vào các độc giả trung bình, thích hiểu biết nhưng không muốn mất nhiều thì giờ, không muốn bị hoa mắt nhức đầu vì các dẫn liệu phức tạp, nói chung là các độc giả phổ thông.
Châu Giang cố sự đương nhiên không dành cho những người có trình độ chuyên môn cao. Muốn đi sâu hơn, chúng tôi đề nghị bạn đọc nên tham khảo Trung Quốc năm 2007-2008 (Đỗ Tiến Sâm chủ biên, NXB. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008), Giờ phút then chốt (Hứa Minh chủ biên, bản dịch Việt ngữ của Đào Văn Lưu, NXB. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2003), Trung Quốc: Con rồng lớn Châu Á của Daniel Burstein & Arne de Keijzer (bản dịch Minh Vi, NXB. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008), Biến đổi cơ cấu giai tầng ở Trung Quốc trong thời kỳ cải cách và mở cửa (Phùng Thị Huệ chủ biên, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008), Đại hội XVII Đảng Cộng Sản Trung Quốc: Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Đỗ Tiến Sâm chủ biên, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008), Trung Quốc cải cách và mở cửa (Nguyễn Văn Hồng chủ biên, NXB. Thế giới, Hà Nội, 2003), Trung Quốc với tham vọng trở thành siêu cường quốc như thế nào? (Ted Fishman, bản dịch của Ngọc Tiến, NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007), Báo cáo phát triển Trung Quốc: Tình hình và triển vọng (Đỗ Tiến Sâm chủ biển, NXB. Thế giới, Hà Nội, 2007). Đây chỉ là một số nhỏ mang tính tiêu biểu trong rừng sách mênh mông viết về quá trình cải cách tại Trung Quốc hiện nay.
Nếu có một nhược điểm nào đó trong sự trình bày của tác giả thì chắc chắn đó là những mảng tối, những phương diện tiêu cực trong quá trình cải cách, đổi mới hầu như không hề được đề cập tới. Nếu có thì cũng rất sơ sài, thoáng qua, như thể ánh sáng rực rỡ của cuộc cải cách đã khiến tác giả bị lóa mắt, không còn đủ khả năng nhận ra những mặt trái nghiêm trọng trong sự phát triển siêu tốc hiện nay tại Trung Quốc, những điều mà Hứa Minh trình bày rất sâu sắc trong cuốn Giờ phút then chốt. Những sự kiện chấn động thế giới như trận động đất tại Tứ Xuyên, sự kiện Trần Hy Đồng và Vương Bảo Sâm, mưa a-xít tại miền Nam Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, và biết bao sự kiện kinh tế xã hội khác, hầu như không hề được tác giả nhắc đến hay phân tích triệt để. Nhưng, như đã nói, với một tác phẩm có độ ngắn và ý đồ như Châu Giang cố sự, chúng ta không nên đòi hỏi quá nhiều ở tác giả, vốn có một mục đích khiêm tốn hơn: trình bày ngắn gọn lịch sử ba mươi năm cải cách kinh tế tại Thâm Quyến.
THƯ HIÊN DỊCH TRƯỜNG
Thư Hiên Dịch Trường có 3 hoạt động chính: Thư viện, xuất bản sách và dịch trường.
Địa chỉ: Tháp S6, The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM
Điện thoại: 0938 336 918
Email: thuhiendichtruong@gmail | Website: thuhiendichtruong.com