Mô tả sách Tập san Bảo Tích
Tập san Bảo Tích I này nguyên là những bài viết, dịch được đăng trên một trang Facebook cùng tên, được tôi đưa vào hoạt động vào ngày 21 tháng 03 năm 2021. Ban đầu nguyện vọng của tôi chỉ đơn giản là chia sẻ kiến thức Cổ Ấn-độ học với những học viên trực tiếp học với tôi, cũng như những người quan tâm đến Phật học, đặc biệt là Phạn học. Nhưng trong gần ba năm qua, số lượng bài viết đã tăng lên đáng kể và do được một số thiện hữu khuyến khích, tôi quyết định sưu tập, hiệu chỉnh chúng và cho in thành Tập san mà quý độc giả đang cầm trên tay.
Với thời gian, chủ đề của các bài viết cũng đã được mở rộng. Từ những bài đầu ngắn gọn về Cổ Ấn-độ học, đặc biệt là Phật học với cơ sở là các văn bản Phạn ngữ được trích dịch, trang nhà Bảo Tích đã triển khai những khía cạnh khác như Triết học—đặc biệt là Triết học trong mối tương quan với giao thoa văn hoá của các truyền thống phương Tây và những trường phái Phật giáo Ấn-độ—, cũng như văn học, ngôn ngữ học và nghệ thuật, những chủ đề độc giả có lẽ đã nhìn thấy ở trang bìa.
Để tránh những hiểu lầm đã được xác nhận ở phần bình luận của một số bài trên trang nhà FB, tôi xin làm sáng tỏ tông chỉ của nhóm Bảo Tích được áp dụng trong Tập san Bảo Tích này: Chúng tôi cố gắng trình bày các vấn đề Triết học, Phật học, Cổ Ấn-độ học chân thực như có thể, thông qua các cổ ngữ (Phạn, Hán, Tạng, La-tinh và Cổ Hi-lạp) cũng như ngoại ngữ hiện đại gốc như trong trường hợp văn và Triết học Đức, tức là đi sát với bản văn gốc như những bài dịch trực tiếp từ Phạn, Hán, Tạng, La-tinh và gần đây là từ Đức ngữ cho thấy (với Anh ngữ hiện nay được xem là lingua franca nên việc thông thạo nó được xem là mặc định). Như vậy, chủ trương của chúng tôi là mở cánh cửa dẫn tới tri thức thông qua ngôn ngữ để người đọc tự bước đi chứ không mang tri thức đến người đọc bằng cách “bình dân hoá” tri thức. Lí do ở đây rất đơn giản là, khác với quan điểm của một số bút giả tại Việt Nam, chúng tôi xem việc viết hoặc dịch văn triết học “dễ hiểu” cho đại chúng là một việc không thể thực hiện được, dù có muốn, nếu người đọc không nỗ lực học hỏi thêm.
Vì nội dung bài viết khá chuyên nên chúng tôi chỉ phát hành thử nghiệm dưới dạng lưu hành nội bộ. Tuy nhiên, đây chỉ là tình trạng tạm thời. Chúng tôi hi vọng rằng, qua sự hưởng ứng của độc giả, Tập san II sẽ được phát hành chính thức với ISBN.
Về nguồn gốc của tên “Bảo Tích” 寶積: Tên này xuất phát từ danh từ Ratnākara (ratna-ākara) tiếng Phạn, nghĩa là “cái đống/khối/hầm/mỏ châu báu” (đồng nghĩa với Bảo Tích được dịch từ [Mahā-]Ratnakūṭa, tên của một bộ kinh Đại thừa), và cũng là tên của một đồng tử người Licchavi xuất hiện trong chương đầu của kinh Duy-ma-cật sở thuyết, đã cùng với 500 đồng tử người Licchavi khác đến lễ bái đức Phật tại đại thành Vaiśālī.
Cuối cùng, tôi xin thay mặt ban biên tập Bảo Tích cảm ơn thầy Thích Không Hạnh tại Tu viện Huệ Quang đã hết lòng trợ giúp in ấn, kiểm soát bản in và đảm nhận phần phát hành Tập san này. Hi vọng sự cộng tác này sẽ gặp được nhiều thuận duyên và bền vững.
Heidelberg, 04. 03. 2024 Thay mặt ban biên tập
Đỗ Quốc-Bảo
(nguyên văn Lời nói đầu)
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.