Truyền thống nhận thức trong lịch sử triết học Trung Quốc (P2)

(Ảnh: Internet)

Tóm lược một bài phỏng vấn giáo sư Tu Weiming (Đỗ Duy Minh) bằng Trung Văn đăng trong tuyển tập Nho Gia truyền thống đích hiện đại chuyển hoá do Nhạc Hoa biên tập (Trung Quốc Quảng Bá Điện Thị Xuất Bản Xã, 1992, từ trang 173 đến 191).

Bản dịch Việt văn: TS. Dương Ngọc Dũng

Sự hình thành ý thức duy ngã độc tôn trong văn hoá Trung Quốc

Người phỏng vấn: Khi mọi người bàn đến tính bảo thủ cố hữu trong bản thân văn hoá Trung Quốc, thông thường vẫn nêu lên vấn đề “độc tôn” (chỉ có ta là đáng tôn trọng). Như vậy cũng có thể nói, từ cổ chí kim, văn hoá Trung Quốc đều có ý thức duy ngã độc tôn, một loại khuynh hướng mục hạ vô nhân (mục không nhất thiết), khuynh hướng này không những đả kích các luồng văn hoá đến từ nước ngoài, mà còn làm gia tăng thêm nọa tính của văn hóa Trung Quốc nữa. Ngài nghĩ sao về vấn đề này?

Đỗ Duy Minh: Vấn đề này Phí Chính Thanh (John K. Fairbank) cũng đã bàn đến rồi. Có quan điểm như sau: do Trung Quốc là một nước lớn có cái gọi là “lễ nghi thiên triều”, có ý thức duy ngã độc tôn, xem những ngoại nhân đều là những dân tộc phải đến triều cống, vì họ có những điều cần phải cầu xin ở chúng ta, còn chúng ta thì chẳng cần phải cầu xin gì ở họ. Một khi họ đã đến Trung Quốc thì chúng ta phải dùng một loạt những chế độ lễ nghi để cải biến họa thành những thần tử có nhiệm vụ kính bái thiên triều. Từ đời Đường trở đi tình hình đều như thế cả, cho đến đời Minh thì phát triển thành một loại ngông cuồng tự đại tương đối rõ ràng, loại ngông cuồng tự đại này khiến cho Trung Quốc khó lòng đối phó với sự thách đố của văn hoá Tây Phương một cách thực tế, một cách rốt ráo được. Cái gọi là “Nam man, Đông Di, Tây Nhung, Bắc Địch”, tất cả đều không đáng nhắc đến, chỉ có Trung Quốc mới là hạt nhân của văn minh. Điều này biểu hiện ra một loại văn hoá hết sức cường liệt, thậm chí một loại chủ nghĩa sô-vanh chủng tộc.

Tôi cho rằng đối với những trạng huống nêu trên, tất yếu cần phải tiến hành phân biệt ở những tầng lớp sâu hơn. Không thể phủ nhận rằng Trung Quốc quả thật có một loại tư tưởng văn hoá xem mình là trung tâm, nhưng đằng sau bối cảnh rộng lớn này thì tình hình cụ thể rất phức tạp. Đời Đường văn hoá Trung Quốc phát triển đến đỉnh cao, nhưng đời Đường không có chủ nghĩa xem văn hoá Hoa Hạ là trung tâm, mà lại có tinh thần bao dung, tổng hợp rất lớn. Sau đời Đường, Hán tộc tại Trung Quốc không những rơi vào cảnh quốc gia bại nhược mà phải còn chịu sự uy hiếp đặc biệt lớn của các dân tộc thảo nguyên (như Mông Cổ), dân tộc sâm lâm (như Kim), do đó quan điểm văn hoá trung tâm của Trung Quốc và kinh nghiệm về sinh tử tồn vong mà nó phải gánh chịu có tương quan mật thiết. Đặc biệt trong thời gian gần một ngàn năm lịch sử, quan niệm duy ngã độc tôn rất khó có sức thuyết phục. Đời Tống đối với Liêu, Kim, Nguyên nhiều lần đã phải cam chịu xưng “thần”. Chu Hi, một nhà tư tưởng có ý thức văn hoá Hoa Hạ rất mạnh mẽ, nhưng vẫn có những cảm giác lo lắng, sợ hãi sâu sắc, ông lo sợ rằng động lực của trung tâm thế giới không còn thuộc phạm vi Trung Quốc nữa, không những thế Trung Quốc đã bị ngoại nhân xâm lược và phải đối diện với cái hoạ vong quốc. Đến đời Nguyên, tròn tám mươi năm, hoàn toàn chịu sự can thiệp quấy nhiễu của văn hoá dị tộc, thành phần trí thức bị biến thành một thứ “xú lão cửu” (lão già hủ lậu, hôi thối). Cho đến đời Minh, tình hình phòng vệ biên cương luôn luôn phức tạp, căng thẳng, một mặt phải lo Mông Cổ, vì Mông Cổ có khả năng hưng khởi trở lại, một mặt khác phải lo đối phó Mãn Châu. Tình cảnh biến hóa thịnh suy khôn lường, ngay cả hoàng đế cũng bị bắt giữ, trong tình huống như thế, muốn có ý thức ngông cuồng tự đại cũng không phải là việc dễ dàng. Cảm giác về mối nguy cơ rất mạnh mẽ thể hiện trong tác phẩm của Vương Phu Chi và khẩu hiệu do Cố Viêm Võ đề xuất: “thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách” (chuyện quốc gia còn hay mất, ngay kẻ thất phu cũng có phần trách nhiệm), tất cả cho thấy không phải đây là ý thức duy ngã độc tôn, tự ngã trung tâm, mà nên nói rằng đó là ý thức lo âu về sự tồn vong của dân tộc.

Cái gọi là ý thức duy ngã độc tôn, chủ yếu hình thành vào đời nhà Thanh. Mãn Thanh là một vương triều do những kẻ xâm lăng vào Trung Quốc kiến lập nên. Với mục đích hoàn thành việc khống chế các vấn đề nội bộ, chính phủ nhà Thanh thái dụng sách lược văn hoá hoàn toàn giống với sách lược của Nho Gia. Tôn Khổng độc Kinh (tôn sùng Khổng Tử, nghiên cứu kinh điển Nho Gia), đó là những điều chính quyền nhà Minh không làm được thì nhà Thanh đã làm được. Có thể nói vương triều nhà Thanh đã hoàn toàn giải trừ được vũ trang của các phần tử trí thức Trung Quốc, khả năng phán đoán của giới trí thức đối với một số vấn đề lớn cũng bị chính trị làm cho rối loạn. Đồng thời, giới trí thức, đặc biệt là giới trí thức Hán tộc, khi không còn có khả năng tề gia trị quốc, họ có cảm giác mình hoàn toàn bị phân ly với thời đại, không còn thuộc về thời đại này nữa. Cho nên, cái gọi là bệnh ngông cuồng tự đại của thiên triều vẫn chưa phát triển đầy đủ sau đời Tống, và ý thức duy ngã độc tôn của đời Thanh cũng là do thời gian cả trăm năm không tiếp xúc với ngoại bang, đối với văn hoá Tây Phương hoàn toàn chẳng hiểu biết gì về hoàn cảnh khó khăn do chính bản thân tạo ra.

Người phỏng vấn: Nhưng mà chúng tôi e rằng rất khó mà dùng hoàn cảnh suy bại của quốc gia để phủ nhận sự tồn tại của ý thức duy ngã độc tôn. Vào thời Hán Vũ Đế, Đổng Trọng Thư yêu cầu “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật,” điều này đúng là một khẩu hiệu bài trừ các loại tư tưởng khác biệt với mình về phương diện học thuật hay phương diện văn hoá. Sau khi cái gọi là Nho Thuật của Đổng Trọng Thư trở thành văn hóa chính thống của Trung Quốc, tinh thần “bãi truất” và “độc tôn” e rằng đã trở thành tính cách đặc thù trong văn hoá Trung Quốc. Ngay cả khi đất nước lâm vào cảnh suy vi, cũng rất dễ dàng kích phát những tình cảm “độc tôn” tiến lên một bước, vì những người yếu đuối đối với vấn đề tự tôn đôi khi cũng có mặc cảm, không những thế mà mặc cảm này đôi khi còn trở nên thái quá nữa. E rằng đây là hiện tượng “mặc cảm tự ti biến thành mặc cảm tự tôn” (cảm tình đích hồi lưu) chăng?

Đỗ Duy Minh:  Về vấn đề “duy ngã độc tôn” tôi cho rằng có thể lý giải từ hai góc độ. Góc độ thứ nhất, Nho Học đảm nhiệm chức năng hình thái của một loại quốc giáo, phân tích cho cùng đã duy trì được tại Trung Quốc trong một thời gian rất dài, có ảnh hưởng rất lớn. Góc độ thứ hai, Nho Học tại Trung Quốc, ngoài việc đóng vai trò hình thái ý thức chính thống, đối với xã hội Trung Quốc, đặc biệt đối với nhiều tầng lớp dân chúng, thông qua rất nhiều con đường khác nhau mà phát sinh ảnh hưởng. Tôi cho rằng chúng ta đã cường điệu quá đáng ảnh hưởng của Nho Học chính thống thuộc phạm vi nhà nước. Tuy vấn đề đời Hán xuống chiếu ban hành “độc tôn Nho Thuật” là có thật, nhưng Hán Vũ Đế không phải là người chấp nhận tư tưởng Nho học, ông ta hoàn toàn giống như Tần Thuỷ Hoàng, rất thích lập nên những chiến công hiển hách, bị bọn phương sĩ mê hoặc, hơn nữa còn có tư tưởng Pháp gia rất mạnh, ví dụ như việc ông sử dụng Tang Hoằng Dương là một thắng lợi của phái Pháp Gia, điều này có phản ánh trong tác phẩm Diêm thiết luận. Hơn nữa, Ngụy Tấn, Tuỳ Đường đều không phải là các triều đại tôn sùng Nho học, mãi cho đến đời Nguyên, Tứ Thư Ngũ Kinh mới trở thành tiêu chuẩn cho chế độ khoa cử. Tôi không phủ nhận ảnh hưởng rất lớn của Nho Gia trong văn hoá chính trị Trung Quốc, đóng vai trò như một nguyên tắc chuẩn mực trong việc trị nước, nhưng phân tích cho rốt ráo vẫn còn có sự thẩm thấu trong đó nhiều nhân tố thuộc tư tưởng Pháp gia. Tôi chỉ muốn cảnh giác với quan điểm của nhiều người: Nho Giáo sở dĩ có thể thấm nhập đến mọi phương diện trong đời sống xã hội, mọi tầng lớp nhân dân, hoàn toàn không phải là nguyên nhân chính trị, mà còn do rất nhiều nhân tố khác. Chúng ta có thể nhớ lại, Nho Gia trong đời Hán mặc dù có địa vị rất cao, nhưng đối với lý thuyết Hoàng Lão đang thịnh hành trong xã hội vẫn không thể tùy tiện phê phán. Ngụy Tấn có thể nói là thời kỳ mà Nho gia dần dần nắm được địa vị, đương thời trọng thị tông tộc, giảng cứu gia pháp, làm cho Nho học, đặc biệt là Kinh học  và Lễ học phát triển trong cấu trúc kiến lập xã hội. Nhưng rất khó giải thích điều này từ góc độ chính trị hoá. Do việc Trung Quốc bị ngoại tộc xâm nhập, một số lớn gia tộc chạy về phương Nam, và do ý muốn duy trì địa vị gia tộc, tất yếu cần phải có một số quy phạm, lý tưởng. Đến thời nhà Đường, kinh học và lễ học của Nho Gia càng được phát triển rộng rãi (đại hành kỳ đạo). Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, từ thời Ngụy Tấn cho đến đời Đường, tư tưởng chủ đạo vẫn là tư tưởng Phật Giáo và huyền học, nếu xét trên bình diện hệ tư tưởng, mãi cho đến đời Tống, Nho Gia mới được trùng tân phục khởi, các học thuyết thân, tâm, tính, mệnh mới được mọi người đề xuất, đối với Phật Giáo trở thành một đối ứng mang tính sáng tạo mạnh mẽ. Do đó, khi xem xét vấn đề Nho Giáo, không thể nào chỉ căn cứ vào góc độ “độc tôn Nho thuật” hay “nhất chi độc tú” (chỉ có một cành xinh đẹp) để giải thích, mà phải xem xét những đường kinh mạch của Nho Giáo thẩm thấu trong khắp mọi tầng lớp xã hội. Từ đời Hán đến nay, bất kể là triều đại nào, nếu muốn tiến hành kiến lập các cấu trúc chính trị đều cần đến vai trò của Nho gia. Điều này có thể đóng vai trò hữu quan trong văn hoá chính trị cùng với Nho Gia, phản ánh một cách mạnh mẽ rõ ràng ý thức lịch sử và tinh thần cảm thụ văn hoá đặc biệt của người Trung Quốc. Không biết điều này có làm tăng trưởng ý thức duy ngã độc tôn hay bệnh ngông cuồng tự đại của người Trung Quốc hay không? Tôi cho rằng trong vấn đề này có nhiều hoàn cảnh cụ thể mà chúng ta hoàn toàn chưa nắm rõ. Đời Thanh quả thực chúng ta đã biết như thế, nhưng nhất định phải có những nguyên nhân và duyên cớ sâu xa bắt nguồn từ các thời đại đi trước.

2 những suy nghĩ trên “Truyền thống nhận thức trong lịch sử triết học Trung Quốc (P2)

  1. Kha Trần Nam nói:

    Rát hay và bổ ích. Đánh giá nền tư tưởng Trung Hoa đòi hỏi một sự nghiên cứu công phu cần rất nhiều thời gian. Thêm Một góc nhìn rất hay về lịch sử tư tưởng Trung Hoa. Rất cảm ơn ts Dũng đã truyền tải.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo