SUY TƯỞNG TỪ HY LẠP: TẠI SAO VĂN MINH SUY TÀN – TS NGUYỄN HỮU LIÊM

Ta gởi tới ngươi, hỡi những tâm hồn viễn du và mạo hiểm, và cho tất cả những ai dám liều gan chèo thuyền ra biển lớn vô cùng nguy biến – tới ngươi, con người khó hiểu, say sưa với đời, biết thưởng thức thời khắc phai tàn của ngày tháng, những tinh thần trôi đến những vùng nước xoáy thăm thẵm, bởi vì ta biết rằng các ngươi không muốn ôm chặt lấy bàn tay hèn nhát; và ở nơi mà các ngươi có thể trở nên linh thiêng, nơi đó ngươi không tính toán hơn thiệt, rủi may – tới các ngươi mà thôi, ta sẽ nói cho nghe cái huyền diệu mà ta đã trực nghiệm, cái viễn kiến từ một cá nhân cô đơn nhất trên vũ trụ này. (Nietzsche, Zarathustra III).

Bước vào 2500 năm trước để tìm chủ nợ văn minh

ATHENS, 16/2. “Cái tổng thể kinh nghiệm cho con người đến với Athens bao gồm nhiều tầng lớp văn minh hơn tất cả mọi nơi ở Hy Lạp. Các món quà của thần đế đã làm cho Athens thật là đặc biệt trong quá trình lịch sử của xứ này.  Nữ thần chiến tranh Athena, con của thần đế Zeus, đã trao tặng cho thị tứ này một cây olive như là biểu tượng của trách nhiệm bảo vệ thành phố, và Dionyssos, thần đế của rượu, cũng đã cống hiến cho dân chúng ở đây một cây nho để làm nên men say cho tinh thần và sức sống của dân Hy Lạp,”

Tài liệu hướng dẫn du lịch đã viết những giòng giới thiệu như vậy. Tôi vừa đọc những giòng chữ này vừa bưóc lên từng bước tầng cấp của Acropolis, trung tâm di sản hoang phế của Athens, để cảm nhận được cái hoành tráng, lớn lao trong hoang tàn đổ nát của nền văn minh phôi thai ra Tây phương hiện đại. Khi dừng chân lại trước mặt của Parthenon, ngôi đền to lớn được xây từ năm thế kỷ trước Công Nguyên, nay chỉ còn một tập hợp các cột trụ đại biểu cho kiến trúc Hy Lạp, tôi ngã mủ xin được bắt tay với 2500 năm của quá khứ đang đón chào.

Nhìn từ trên cao của đền Parthenon xuống tổng quan của Athens ngày nay, tôi thấy có như một sự cách đoạn của văn hóa và lịch sử. Nơi tôi đang đứng là chỗ tích luỹ của bốn kỷ nguyên văn minh, từ Mycenae, Olympia, Delphi, Parthenon và Athens. Chính từ sự tích luỹ dày và sâu này của các triều đại này đã làm cho Hy Lạp hiện đại và văn minh tây phương có một sức mạnh văn hóa mạnh mẽ như ngày nay. Không có Hy lạp – phiên âm tiếng Hán của chữ Hellen – thì không có Tây phương như chúng ta biết đến. Từ tư tưỏng dân chủ, đến khoa học thực nghiệm, từ khái niệm về nguyên tử, đến tư tưởng triết học, y khoa, kiến trúc, đến văn học bi tráng, ngôn ngữ học… hầu hết đều được khởi đi từ Athens này.

Tôi có cảm tưởng như chính mình là một con nợ của nhân loại thời nay đi tìm chủ nợ để tra vấn xem là có phải tôi đã mắc nợ và như thế nào. Không có món nợ nào giống món nợ nào, dù là nợ văn minh. Nhưng khi chủ nợ đã chết, và chỉ còn lại căn nhà của hắn nay là hoang phế, tôi tự hỏi, có phải tôi là một thứ chủ nợ mới cho tương lai?  Này Athens: Ta đang đi giữa lòng – và ta đang bước vào trong và xuyên qua quá khứ nhà ngươi.

Yêu chiến tranh và sợ hòa bình

Địa danh Acropolis này là hình ảnh đại diện cho lịch sử Hy Lạp. Nơi đây hàng năm có chừng ba triệu người đến thăm và chiêm ngưỡng.  Nó bao gồm bốn căn nhà cổ đại, the Parthenon, ngôi đền Athena Nike, the Erechtheion và the Propylaea. Cấu trúc của Parthenon là ở giữa trung tâm và huy hoàng hơn cả. Tôi hình dung ra cái thưở mà “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,” nay chỉ còn “đền cũ lâu đài bóng tịch dương” như bà Huyện Thanh Quan ngày nào đã diễn tả như thế khi đi qua đèo Ngang ở trung Việt.

Chính từ gốc tích chiến tranh qua hình ảnh thần đế của dân Hy Lạp, bà Athena, mà Hy Lạp có được cái huy hoàng. Nhưng chiến tranh của dân Hellen này là của và do một văn hóa cao cấp – và khi họ chiến thắng, họ khai hóa và chinh phục kẻ chiến bại bằng văn hóa từ phía trên. Những khối nhân loại say mơ với giấc ngủ văn minh thấp kém của họ cần phải được đánh thức – bằng roi vọt, nếu cần.

Tôi tự suy diễn: Chiến tranh hay hòa bình; thắng hay bại, đối với con người của thế gian này, chỉ có thể biện minh bằng cái văn hóa phản ứng và tiếp cận, ứng xử đối với gia sản chiến tranh và lịch sử.  Khi văn hóa đại diện cho một nguyên tắc cao hơn cái đang chống lại, thì văn hóa cao đáng để chiến thắng.  Hy Lạp cổ đại, do đó, đáng để chiến thắng so với các văn hóa đa thần và man dại, mê tín của truyền thống Pagans của xứ Địa Trung Hải thời đó.

Kẻ lớn lao hơn, vĩ đại hơn, do đó, phải chiến thắng, và nếu cần, phải gây chiến để chinh phục. Nếu không, hắn sẽ bị chinh phục bằng các luồng văn hóa hạ cấp và man rợ hơn. Vấn đề là hắn có một văn hóa xứng đáng để làm nền tảng và biện minh cho chiến thắng của mình hay không. Kẻ chiến bại với nền văn minh cao cấp cũng thế. Hãy chiến đấu đến cùng, và nếu có thua, thì tinh thần văn hóa trong chiến bại sẽ giải hóa và chinh phục lại kẻ chiến thắng.

Đừng sợ chiến tranh hay yêu mến hòa bình một cách trống rỗng, như là một thể loại chân lý bất biến và phổ quát.  Vấn đề tùy thuộc vào sử tính và thời đại theo trình độ và chiều sâu văn hóa liên đới. Văn minh nào, con người nào, dân tộc nào có văn hóa thấp thì cần phải bị chinh phục, bị tiêu vong – hay tốt hơn, hãy nên tự sát để khỏi bị nhục chiến bại. Đó chính là một phần trong bài học của Socrates và của Athens mà chưa ai nói đến.

SUY-TUONG-TU-HY-LAP-TAI-SAO-VAN-MINH-SUY-TAN

Đâu rồi hình bóng vĩ nhân

Trước khi bước lên đền Agropolis, tôi đi xuyên qua phố thị ngày nay của Athens. Trên các ngõ ngách chật hẹp và xinh xắn lót đá từ ngàn xưa, tôi mơ hồ trông thấy con người thời nay hình như chỉ còn có tinh thần buôn bán và ăn uống vặt vãnh. Không còn là các lễ hội to lớn cho một biểu tượng thần đế linh thiêng nào. Không còn là các bản hành khúc hùng tráng thúc quân lên đường chinh phạt. Không còn tiếng la tiếng gào của dân lao động vươn lên xây đền đài to lớn cho khí phách và ngã mạn của lãnh tụ đế chế. Không còn có ánh sáng văn hóa lãnh đạo ở phố thị Hy Lạp ngày nay – cũng như khắp nơi trên quả địa cầu này.

Con người bây giờ không biết say rượu khi biểu tượng của Dionysus và Bacchus đã bị bỏ quên – cũng như họ cũng không biết đến nghệ thuật dục tình khi tinh hoa thân xác đã bị vất bỏ. Cái say của người đời nay là của thân xác để quên gánh nặng cuộc đời, để tiêu diệt ý chí, để rước thêm khổ đau và bệnh tật.

Chính Hy Lạp đã cho nhân loại tinh thần và khái niệm dân chủ; nhưng chính cái mầm tư tưởng dân chủ bình dân, thiếu khí phách anh hùng này đã làm cho Hy Lạp tàn phế và làm cho những con ngườì lớn trở nên trung bình hóa.  Trong dân chủ bình dân, không có con người vĩ đại. Những tâm hồn lớn, ý chí cao ngất, huy hoàng, những tâm hồn say men với chiến thắng và chinh phục, những ánh mắt và tay kiếm của đế quốc đã bị kéo xuống thành dân dã – thành một người “công dân” bình thường trong nhiều vô số những con người bình thường khác. Trong dân chủ, con người là của tâm hồn con kiến, con gà được cho đứng ngang hàng với sư tử, tranh chuyện với chúa tể sơn lâm. Hệ quả của tinh thần dân chủ này là lịch sử không còn là nấc bậc cho sự vươn lên của các tinh thần văn hóa lớn lao. Tất cả các chiều cao đều được đo bằng thước mực hạ cấp.

Thời tính mới từ nơi ly rượu đắng

Tôi liên tưởng đến Heraclitus, một triết gia Hy Lạp trước Socrates, “Cũng như mật ong thì vừa đắng và vừa ngọt, thế gian này là một ly rượu trộn nhiều hương vị đối nghịch cần phải được thường xuyên quậy lên.” Và ly rượu cần phải được thay đổi cho con người dự tiệc mới.

Không có gì có thể tồn tại vĩnh cửu khi nó đóng xong màn kịch thế gian. Văn minh Athens là một thời quán khai sinh tri thức, là món quà từ thế giới cao hơn – từ cõi thần linh hiện thân qua ánh sáng lý tính. Khi Hy Lạp đốt hết ngọn lửa thời tính của nó, ngọn đuốc đế quốc chuyển qua La Mã để thể hiện nội dung tư tưởng lý trí của Athens cho hậu thế Tây phương. Nietzsche viết rằng dân Hy Lạp, cũng như bao nhiêu dân tộc khác, vốn khao khát kiến thức cao độ. Cái làm họ khác các giống dân khác đương thời là khi họ học được điều gì, họ đã sống tận cùng với kiến thức đó.

***

Trên đường trở lại khách sạn ở phố chính Athens, khi ghé qua công viên thư viện thành phố, tôi đứng chào hai tượng Socrates và Platon đứng ở giữa sân đình. Không thấy tượng Aristotle đâu cả, tôi tự hỏi tại sao? Chính Aristotle đã cứu vãn tư tưởng Hy Lạp, vốn thừa hưởng tính chất huyền bí Ai Cập, để tư tưởng của ông khai sinh ra nền tảng tư duy lý tính cho nền văn minh khoa học thực nghiệm Tây phương hiện đại.

Ba thầy trò Socrates, Platon và Aristole là Trinity, là tam vị nhất thể của Tây phương, của tiêu chuẩn và định hướng Chân Thiện Mỹ cho con người thời xưa. Có lẽ Aristotle đã bị tan hòa vào tất cả những gì hiện đại của Athens, của cái mới trên từng nét kiến trúc, trong từng tâm hồn con người thành phố, trong cái ồn ào vô tận của đời nay – trong khi Socrates và học trò Platon đứng chết cứng ngắt ôm giữ chính thân thể chính mình trong hình tượng xinh đẹp như là quá khứ oai hùng của họ.

Giã từ Athens – và xin chào 2500 năm trước.

TS. Nguyễn Hữu Liêm

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo