“Có S. trước mắt mình là một trong số những điều kiện tiên quyết không thể bỏ qua cho những tư khảo triết học của chúng ta.” Không chỉ Karl Jaspers phán đoán như vậy. S. thường được viện dẫn như là nhân chứng chính cho mỗi thứ triết học được đại diện đến mức người ta phải tự hỏi, trong một triết học thực sự có gì, khi nó được yêu cầu là làm nền tảng cho những phương hướng triết học khác nhau. Karl Popper nhìn thấy ở S. ví dụ mẫu mực của một lí tính luận giả (Rationalist) có tính phê phán, còn Bertolt Brecht thấy một nhà tư tưởng tiền-Marxist (prämarxistisch). Vậy đó là gì, thứ làm cho loại triết học này hấp dẫn như vậy cho những tinh thần đối lập nhau đến thế? Kant và Nietzsche có thể giúp chúng ta thêm nữa trong việc trả lời câu hỏi này. Cho Nietzsche thì S. là “tấm khiên với phù hiệu (Wappenschild) trên chiếc cổng dẫn vào khoa học.” Và Kant nói: “Nhìn nhận những giới hạn của kiến thức của mình cũng như phạm vi của chính nó và qua đó nhận ra rằng, mình không biết gì cả; đây là một triết học rất sâu sắc.” Cách ngôn quen thuộc nhất của S. trên thực tế là như sau: “Tôi biết rằng, tôi không biết gì cả.” Làm thế nào mà những tuyên bố đối lập này có thể hoà hợp với nhau, những thứ một mặt thể hiện ông như là một giảng sư của khoa học và mặt khác lại như là một người đề xướng cái không-biết?
Chúng ta biết rất ít về cuộc đời của S. Ông sinh vào khoảng 470 TCN, là con của nhà điêu khắc Sophronikos và bà hộ sinh Phaunarete. Ngoại trừ những lần viễn chinh tại Potidaia, Delion và Amphipolis, ông chưa từng rời khỏi quê hương mình. Tại những nơi đó thì những người đương thời ghi nhận ông là một người can đảm. Ở quê nhà, ông trở thành một người cố vấn và được biết tới như là người bảo vệ luật pháp: Khi công chúng muốn kết án tử hình trái pháp luật đối với chín vị tướng, S. viện đến pháp luật và làm hết sức để bảo trì nó trước sự phẫn nộ của quần chúng. Ông đã không thể thành công trong việc này. Ngoài đó ra thì con người giản dị và sống khổ hạnh này chỉ hiến mình cho triết học. Sự giản dị của ông được chứng minh qua cách ngôn của ông, câu mà Diogenes Laërtios đã ghi lại: “Thật nhiều làm sao là những thứ mà tôi chẳng cần đến.” S. kết hôn với Xanthippe và có ba người con trai. Nhưng ông không quan tâm đến gia đình của mình cũng như nghề điêu khắc mà ông học từ cha. Điều ông thích hơn là tư khảo triết học với những thanh niên của những gia đình quyền quý ở Athen trên những quảng trường hoặc con phố nơi quê nhà.
Không hề có văn bản nào của S. cả. Đúng hơn là, chúng ta phải hài lòng với những truyền thuyết hoàn toàn tương phản nhau về triết học của ông thông qua Aristophanes, Xenophon, Platon và Aristoteles. Người ta thường nhắc đến những đối thoại của Platon mà trong đó Platon để cho S. phát biểu. Ở đây người ta không đi đến một quan điểm thống nhất nào về việc thứ gì thực sự xuất phát từ S. và thứ gì đã được thêm vào bởi Platon. Về mặt này thì có những quan điểm căn bản đối lập nhau. Một quan điểm là: tất cả đều xuất phát từ Platon, và S. với tư cách triết gia chỉ là một hình tượng được phát minh ra; quan điểm khác: tất cả những gì mà Platon đặt vào miệng S. là những tường thuật chân thực. Điều chắc chắn là, học thuyết ý niệm không bắt nguồn từ S. mà là Platon. Nhận thức này được truyền đến chúng ta bởi Aristoteles, người có triết học là một tranh luận với học thuyết ý niệm của Platon. Vì Aristoteles đã là học trò của Platon trong 20 năm từ 367 đến 347 TCN, người ta không thể giả định rằng Aristoteles đã truyền lại cho chúng ta thứ gì sai trái cho một câu hỏi quan trọng đối với chính ông ta như vậy. Song Aristoteles có thể đã đề cập đến học phái Platon và không phải chính Platon như là tác giả của học thuyết ý niệm. Điều chắc chắn là, từ S. khởi phát một phương pháp thẩm tra, thứ mà chúng ta vì thế gọi là phương pháp Sokrates. Với nó thì ông ta thẩm tra tri thức. Với câu trả lời cho câu hỏi, loại tri thức nào được thẩm tra như thế nào, chúng ta quay trở lại tuyên bố của Nietzsche và tới gần hơn đến câu trả lời cho câu hỏi ban đầu. S. thẩm tra tri thức lí thuyết và thực hành tương đương nhau. Cả hai thứ này được kết nối với nhau trong từ Hi Lạp “epistḗmē” (ἐπιστήμη).
Đầu tiên nói về tri thức lí thuyết và phương pháp Sokrates. Một cách hồi tưởng, Platon chỉ cho chúng ta trong đối thoại Phaidon, thứ tự thuật ngày S. qua đời, sự ra đời của phương pháp này. S. nói trong đó, rằng ông tìm kiếm nguyên nhân vĩnh hằng, tìm cơ sở hoặc bản chất trong tất cả những thứ sinh thành và hoại diệt, như vậy tức là trong tất cả những tồn tại vật lí.
Điều này biểu minh sự tìm kiếm có tính siêu hình học và khoa học. Các triết gia tìm kiếm một cơ sở thống nhất cho tất cả những thứ tồn tại. Khi S. đã nghe thấy một cuốn sách của Anaxagoras được đọc to, lí tính (Vernunft) trình hiện cho ông như là cơ sở của tất cả những gì đang tồn tại. Sau khi đích thân đọc cuốn sách này của Anaxagoras, ông đã thất vọng. Không ai có thể gọi ra cho S. cơ sở của tất cả những gì đang tồn tại. Ông sẽ muốn đi đến trường học nếu có một vị thầy giáo có thể nói cho ông điều đó. Vì không tìm được một người thầy nào như vậy, ông phải tự thân thực hiện cuộc tìm kiếm và phát triển phương pháp biện chứng (dialektische Methode), thứ nên trung giới sự chuyển động giữa cái cá biệt và cái bản chất. Đây là ý nghĩa của biện chứng nơi S., sự chuyển động giữa bản chất (Wesen) và sự trình hiện cá biệt (Einzelerscheinung), nơi mà người ta đi từ cái cá biệt để rồi thông qua đó đạt đến bản chất, cái bản chất của cái cá biệt cụ thể. S. cho rằng, nếu người ta một lần nắm bắt được cái bản chất của một sự vật, thì người ta cũng sẽ hiểu cái cá biệt cụ thể ấy tốt hơn. Nhưng người ta cũng cần cái cá biệt, cái cho thấy bản thân trong sự cảm thụ (Wahrnehmung) để người ta, một cách tổng quát, có thể tìm ra được cái bản chất. Câu này là một yêu cầu trong đối thoại Sokrates: “đứng vững chân trên cái cụ thể.”
Ví dụ, S. nói, về mặt bản chất thì thuộc về một bông hồng đẹp là nó đẹp. Nhưng có nhiều thứ vật đẹp. Do vậy mà phải có một cái Đẹp tự thể. Nhưng cái này không thể được nắm bắt bằng các giác quan, mặc dù người ta lấy thứ có thể cảm thụ được bằng giác quan làm cơ sở. Nhưng hiển nhiên là có cái Đẹp tự thể. Theo đó thì, một vật đơn lẻ đẹp không vì lí do nào khác ngoài lí do rằng, chính nó có phần cộng hưởng 共享 với cái Đẹp, và do vậy cộng hưởng với bản chất. S. nói với Kebes trong Phaidon rằng: “Hãy kiểm tra xem, liệu cái theo sau cũng khiến bạn thông suốt như nó làm cho tôi hay không. Cụ thể thì nó trình hiện hoàn toàn rõ ràng cho tôi rằng, nếu một thứ nào đó khác đẹp ngoài cái Đẹp nơi chính nó, nó đẹp không vì bất cứ một nguyên nhân nào khác hơn là vì nó cộng hưởng cái Đẹp đang tồn tại nơi chính nó.” Cho S. thì nó phụ thuộc vào điều này, “đó là cái Đẹp ở chính nơi cái ấy mà nhờ nó mà tất cả những thứ đẹp là đẹp. Điều này có vẻ là câu trả lời xác định nhất cho tôi, cái mà tôi có thể đưa ra cho chính tôi hoặc ai đó khác, và nếu tôi giữ chặt nó, với nó tôi cho rằng, tôi sẽ không bao giờ lầm lạc, mà là cho chính tôi cũng như cho mỗi người khác thì đây có vẻ là câu trả lời xác định duy nhất, rằng thông qua cái Đẹp mà những thứ đẹp là đẹp. Và cũng như vậy, rằng thông qua cái Lớn mà cái lớn lớn và thông qua cái Lớn hơn lớn hơn và thông qua cái Nhỏ mà cái nhỏ hơn nhỏ hơn.”
Bây giờ thì S. hướng mắt vào một hiện tượng khác: Sự việc có thể là, rằng chúng ta chỉ mới tưởng rằng, chúng ta đã nắm được cái gì đó mang tính bản chất (etwas Wesentliches). Nhưng thực tế thì chúng ta đã sử dụng một cách không suy nghĩ một khái niệm thường nhật cho cái có tính bản chất (das Wesentliche). Chuyện gì xảy ra kế đến? Với câu trả lời cho câu hỏi này thì chúng ta quay trở lại tuyên bố đã được nhắc đến ban đầu bởi Kant và với nó lại tới gần hơn một chút đến câu trả lời cho câu hỏi ban đầu của chúng ta. S. đã trực diện đi đến quần chúng và làm cho họ ý thức được rằng: họ đã sử dụng một khái niệm một cách hoàn toàn không phản tư (völlig unreflektiert) và nghĩ rằng, với nó họ có thể gọi được tên cái bản chất của một sự vật. Leonard Nelson ghi nhận công trạng cao cho S. qua cách nói rằng: “Một thành tựu được công nhận cho ông trước tiên nằm ở chỗ ông đã khiến những học trò phải thừa nhận sự không biết của mình và qua đó cắt đứt gốc rễ của chủ nghĩa giáo điều (Dogmatismus) nơi họ.” Có tính thí dụ cho quá trình này là cuộc đối thoại Laches, được Gottfried Martin xem là sự trình bày tốt nhất cho một cuộc đối thoại có tính chất Sokrates. Trong đó, S. muốn phản tư về đức hạnh dũng cảm (ἀνδρεία). Về lĩnh vực này thì chính ông không phải là chuyên gia. Do vậy mà ông ta làm điều mà ông thường làm trong những trường hợp như vậy: ông tham vấn hai chuyên gia, cụ thể là hai vị tướng mà kinh nghiệm thường nhật của họ là dũng cảm. Hai người này quả quyết là biết cái gì là dũng cảm. Thông qua việc tra hỏi xoáy sâu mà lộ ra một điều, rằng họ tuy biết khái niệm dũng cảm, không nghi ngờ gì cũng có sẵn đức hạnh dũng cảm, thứ mà họ chứng minh đủ thường xuyên, nhưng họ không thể nói rằng dũng cảm là gì. Nhận thức này buộc cả hai bọn họ suy nghĩ chính xác hơn về câu hỏi này. Vấn đề ở đây là “xác định những khái niệm một cách phản tư chính xác và phân biệt chúng với những thứ khác, tương tự.” (Hans-Georg Gadamer). Trước khi có cuộc đối thoại với S. thì hai vị tướng đã sử dụng khái niệm này hoàn toàn không phản tư. Bây giờ thì chúng ta có được câu trả lời cho câu hỏi ban đầu của chúng ta: S. muốn chỉ ra cho con người rằng họ cho tới nay chỉ có một tri thức không đầy đủ, thứ có thể được đánh dấu là sự không biết hay vô tri. Thông qua nhận thức này mà ông đã dẫn họ đến một tri thức được xác định. Điều này cho đến ngày nay vẫn còn là một đặc trưng của nghiên cứu khoa học.
Những nhà khoa học ngày nay nỗ lực loại trừ tất cả các chủng loại của sai lầm. Họ tìm cách gạt bỏ những sai lầm trong quá trình truy tầm tri thức một cách có hệ thống. Trong đối thoại Sokrates thì nó cũng có thể đi đến một trạng thái khốn hoặc hoàn toàn, một trạng thái của sự hỗn loạn – như Leonard Nelson đã nói. Người ta vì vậy sẽ phàn nàn rằng, họ trước kia đã tin rằng mình có được sự rõ ràng về một vấn đề, vậy mà bây giờ hoàn toàn không biết gì nữa. Những cái đã biết hoá ra chỉ như “trứng gió” (“Windei” [là trứng không có vỏ vôi cứng, ở đây chỉ đến những tri thức nón nớt chưa được phát triển hoàn toàn]), như S. đã có thể nói. Cái biết ban đầu hoá ra chỉ là cái được tưởng tượng chủ quan. Khi một trạng thái như thế được đạt tới thì đây là dấu hiệu cho thấy rằng nó là một cuộc đối thoại triết học tốt. Tất cả tính xác định, cái dựa trên những khái niệm không được phản tư và khảo lự một cách chính xác nhất mà chỉ được sử dụng, tự cho thấy chỉ là sự xác định hư huyễn (Scheinsicherheit). Nếu điều này được nhận biết như chúng là, thì khi đó tư duy thức tỉnh khỏi giấc ngủ giáo điều của nó. Lúc này, tư duy và khảo lự những thứ mà cho tới giờ là hiển nhiên và quen thuộc đối với một người bắt đầu. Tất cả tư khảo triết học bắt đầu với sự ngạc nhiên. Trong đối thoại Sokrates thì con người ngay lập tức ngạc nhiên về chính mình vì điều này, rằng họ đã chấp nhận nhiều thứ một cách không phản tư. Sau cuộc đối thoại với S., hai vị tướng trong Laches tiếp tục sử dụng khái niệm “dũng cảm”, nhưng rất có khả năng là theo cách khác với cách mà họ đã quen thuộc đến lúc đó. Cuộc đối thoại Sokrates dẫn khởi sự khác biệt có tính quyết định này.
Đây là câu trả lời cho câu hỏi ban đầu của chúng ta. S. đã đưa cho con người tới chỗ phải nói rằng: “Tôi biết rằng, tôi chẳng biết gì cả.” Tri thức của họ hoá ra chỉ là tri thức hư huyễn (Scheinwissen). Những người trò chuyện của S. ra vẻ như là những người tri thức và sẽ bị nhận định là vô tri thức. S. muốn đánh thức người đối thoại với ông, “để anh ta đi tìm tri thức đích thực, và điều đó có nghĩa là, để anh ta sẵn sàng đưa ra biện giải” (Hans-Georg Gadamer). Đưa ra biện giải về cái biết của mình có nghĩa là gì? “Người nào biết, người đó không chỉ có một quan điểm có thể đúng đắn về một thứ gì đó, mà người đó cũng biết biện luận cho cái mà hắn biết trong đối thoại với chính mình hoặc những người khác. Như vậy, biết (Wissen) là trạng thái (người) biết (Wissend-Sein)” (Hans-Georg Gadamer). Trong đối thoại Theaitetos, S. nói rằng, người ta đã nói về ông rằng ông là một con người kì lạ, vì ông đã làm những người khác tán loạn. Đây là trạng thái mà Kant đề cập đến trong câu trích dẫn ở đầu bài. S. gọi việc sử dụng một cách không phản tư các khái niệm là vô tri. Tự nhận ra được cái vô tri này là nơi mà S. muốn dẫn người ta đến. Đồng thời ông cũng muốn khiến họ phản tư sâu sắc hơn cái thường nhật và cái hiển nhiên.
Nhưng còn một loại tri thức thứ hai nữa, loại cũng cần được thẩm tra bên cạnh tri thức lí thuyết; đó là tri thức thực hành. Tri thức thực hành này thông thường còn ít hiện diện hơn nhiều trước chúng ta so với tri thức lí thuyết, vì phán đoán giá trị (Werturteil) đi cùng với việc giao tiếp và không được đề cập đến như một chủ đề riêng biệt. Sự hiệu lực không được đề xuất thành chủ đề của những giá trị được thấy hoàn toàn rõ ràng, khi chẳng hạn Ân xá Quốc tế (Amnesty International) yêu cầu chấm dứt những hành vi ngược đãi và tra tấn con người. Tất cả đồng ý với yêu cầu này. Không ai đặt câu hỏi, liệu phản đối tra tấn có phải là đúng hay không. Vì điều đó đã có thể được cảm nhận như là một lời khiêu khích, và sự giao tiếp sẽ bị làm phiền loạn một cách nghiêm trọng. Nhưng ngược lại, trong đối thoại Sokrates thì mỗi giá trị đạo đức nên được đưa lên bàn kiểm tra. Các giá trị nên có thể được xác định và kiểm tra, những thứ làm cơ sở cho những quyết định từ nhỏ cho đến quan trọng hơn trong thường nhật.
Leonard Nelson năm 1922 đã gọi phương pháp Sokrates là “trừu tượng hoá hồi quy” (Regressive Abstraktion), thứ được định vị giữa quy nạp và diễn dịch. Với phương pháp này thì các quan niệm giá trị (Wertvorstellung), thứ nằm bên trong chúng ta và tàng ẩn trong những hoạt động hàng ngày, sẽ được làm cho ý thức được. “Phương pháp hồi quy của việc trừu tượng hoá này, thứ phục vụ cho việc khám phá những nguyên tắc triết học,” Nelson nói, “do vậy không tạo ra những kiến thức mới, cả về những sự thực cũng như những quy luật. Thông qua việc tư lự, nó chỉ dẫn đến những khái niệm rõ ràng, thứ đã nằm yên như là những vật sở hữu nguyên thủy của lí tính của chúng ta và chỉ vang vọng lờ mờ trong mỗi phán đoán đơn lẻ.” Nelson miêu thuật con đường này như là con đường hồi quy từ cái đặc thù đến cái phổ quát (vom Besonderen zum Allgemeinen), hoặc là từ những phán đoán đạo đức cá biệt tới những nguyên tắc phổ quát của chúng, những thứ [nếu không] sẽ nằm im trong bóng tối của mỗi phán đoán đạo đức cá biệt.
Chúng ta xây dựng những phán đoán đạo đức trong trường hợp cá biệt dựa trên những nguyên tắc đạo đức mà không hề ý thức về chúng trong mỗi quyết định. Trong thường nhật, chúng ta đưa ra nhiều vô tận những quyết định mà không hề ý thức về những nguyên tắc, những cái là cơ sở cho những quyết định của chúng ta, trong khoảnh khắc mà chúng ta quyết định. S. cũng tiến hành trong tri thức lí thuyết với chính ngay phương pháp này. Trong đối thoại Menon, S. đưa một bài tập cho một nam nô trẻ, đó là nhân đôi diện tích của một hình vuông. Nhưng chàng trai đã nói một cách đầu hàng sau một số lời chỉ dẫn của S.:
“Thề trước Zeus, S., tôi không biết làm điều đó thế nào.”
S. phản ứng bằng một câu trả lời đáng ghi khắc:
“Không phải, cậu biết nó chứ. Cậu chỉ không biết là cậu biết nó thôi.” S. không hề thả lỏng và tiếp tục làm việc với một “năng lượng tra vấn kiên định.” (Hans-Georg Gadamer), cho đến khi anh ta tìm ra được lời giải, đó là người ta phải dựng một hình vuông mới trên đường chéo của hình vuông đã cho trước, cái sẽ có diện tích gấp đôi diện tích của hình vuông đã cho. Cậu bé tìm được tất cả câu trả lời nhờ việc đặt câu hỏi một cách điêu luyện của S. S. có tín niệm rằng tất cả tri thức đã nằm sẵn trong chúng ta. Ông nói với Menon rằng:
“Giờ đây hãy xem, rằng tôi chỉ luôn hỏi và không bao giờ dạy.” Tri thức, cái nằm trong mỗi con người, phải được “kích thích thông qua việc hỏi và như vậy được làm thành nhận thức.”
Trong khi những nhà trí biện (Sophist) – như S. cho thấy trong đối thoại Gorgias – nỗ lực thực thi ý kiến của chính họ bằng cách trò chuyện và thuyết phục bằng lời nói một cách điêu luyện thì S., bên cạnh việc làm sáng tỏ sự việc như trong đối thoại Menon, đề cao sự hình thành một tư thái đạo đức trong cuộc đối thoại có tính lí thuyết. Con người nên trở nên có khả năng, giao lưu với những người khác và chỉnh sửa ý kiến riêng của họ. Nguyên tắc đối thoại là sự công nhận sự ngang hàng giá trị (Gleichwertigkeit) và sự tôn trọng (Ernstnehmen) tất cả những người tham gia đối thoại. Theo đó, trong những cuộc đối thoại Sokrates thời Cổ đại mà Leonard Nelson năm 1922 đã móc nối vào, những ý định thực hành và lí thuyết hoà hợp với nhau.
Làm thế nào mà S. dẫn con người đến nhận thức về tri thức tưởng tượng chủ quan của họ? Ông hỏi một cách châm biếm. Khi một ai đó—như trong đối thoại Laches—nói thứ gì là sự dũng cảm, thì S. sẽ trình bày một hoàn cảnh cuộc sống mà trong đó sự việc là khác. Câu hỏi của ông luôn luôn như thế này: “Nó có thể nào hoàn toàn khác hay không?”. Hoặc: “Chúng ta bây giờ có phải mở rộng hoặc thay đổi sự xác định bản chất (Wesensbestimmung) hay không?” Với những câu hỏi này, ông nỗ lực đi gần hơn tới chân lí, nhưng ông đồng thời cũng làm rõ ràng rằng chính ông cũng không thể công thức hoá nó một cách thích đáng. Đây là sự mỉa mai Sokrates. Người ta có thể nói rằng một tuyên bố mỉa mai trong ý nghĩa Sokrates là sự công thức hoá chân lí tất yếu không thích đáng, với những chỉ điểm đồng thời cho cái tính không thích đáng của nó. Vì sao mà sự công thức hoá chân lí phải là không thích đáng một cách tất yếu?
S. biết rằng, ông không thể trình bày bản chất của một sự việc một cách thích đáng, đặc biệt là cái bản chất của tất cả mọi thứ đang tồn tại. Điều này nằm sau suy nghĩ của ông về tính không toàn vẹn của tinh thần con người, đối lập với tinh thần thần linh. Trong câu nói cuối cùng trong lời biện giải bào chữa, sau khi ông bị kết án tử hình trong một phiên toà mà, theo Hans-Georg Gadamer, nhắm đến việc chống lại S. với tư cách một “nhà khoa học” và “nhà tri thức”, S. đã làm rõ tính không toàn vẹn này:
“Bây giờ đã tới lúc rời khỏi đây, cho tôi là tới cái chết và cho các bạn là tới việc sống; ai trong chúng ta đi tới chỗ tốt hơn, cái đó thì chẳng ai biết ngoài thần linh cả.”
S. thường bị quở trách rằng ông chỉ muốn dẫn dắt con người theo một hướng nhất định, để họ chấp nhận quan điểm của ông. Ai nghĩ như vậy đã không hiểu được ý nghĩa của việc tìm kiếm có tính siêu hình học. S. thực sự không hề biết câu trả lời có tính quyết định tối hậu nào—như câu nói cuối cùng trong lời biện hộ của ông cho chúng ta thấy. Ông có niềm tin rằng, chỉ việc truy tìm tra vấn mới mang tư duy đi xa hơn: Chân lí thuần khiết thì chỉ có thần linh mới biết. Qua việc hỏi có tính phê phán mà S. gây nguy hiểm, theo quan điểm của những phán quan trong phiên toà, cho sự tồn tại của tri thức Hi Lạp, cả lí thuyết và thực hành. Thay vì chỉ bảo thanh niên trong phạm vi tri thức này, ông dạy họ đặt câu hỏi có tính phê phán tri thức này và suy nghĩ một cách độc lập. Vì vậy, một điểm cốt yếu trong sự buộc tội ông là dụ dỗ thanh niên; một điểm khác là việc dẫn nhập những vị thần mới, và với họ chính là lí tính được nghĩ đến.
Có hai phương cách tiếp nhận hoàn toàn khác nhau [đối với S.]: Một phía tin rằng, những hiệu quả của việc Khải mông (Aufklärung), của khoa học và của tư duy siêu hình học một cách tổng quát tất yếu sẽ dẫn đến sự trầm một (Untergang), đã chỉ trích người sáng lập phương cách tư duy này mạnh mẽ nhất. [Phía khác,] Những người nhìn thấy trong phương cách tư duy này những khả năng lớn cho sự phát triển của nhân loại thì tôn kính S. như là người sáng lập phương cách tư duy này, mặc dù họ một phần—như Max Weber—nhìn thấy nguy cơ của sự teo mòn của lí tính thành hoàn cảnh có tính dụng cụ thuần túy của nó. Leonard Nelson đã chấn hưng phương pháp của S. cho thời đại hiện nay và phát triển nó thêm nữa. Ở một mức độ đáng kể thì phương pháp này, theo cải biến của Nelson, vẫn được thực hành trong hiện tại.
Pleger, Wolfgang F.: Sokrates. Der Beginn des philosophischen Dialogs. Reinbek 1998. —Martens, Ekkehard: Zwischen Gut und Böse. Elementare Fragen angewandter Philosophie. Stuttgart 1997. —Hoesch, Nicola: Art. “Sokrates”. In: Der Neue Pauly. Stuttgart/Weimar 1996 ff., Bd. 11, Sp. 674–686. —Figal, Günter: Sokrates. München 1995. —Horster, Detlef. Das Sokratische Gespräch in Theorie und Praxis. Opladen 1994. —Martens, Ekkehard: Die Sache des Sokrates. Stuttgart 1992. —Gadamer, Hans-Georg: Sokrates’ Frömmigkeit des Nichtwissens. In: Ders.: Gesammelte Werke, Bd. 7. Tübingen 1991, S. 83–117. —Nelson, Leonard: Die sokratische Methode. In: Ders.: Gesammelte Schriften, Bd. 1. Hamburg 1970.
DETLEF HORSTER
Nguồn: FB Bảo Tích