Nghiệp báo, công lý và vai trò của truyền thông

(Ảnh: Internet)

Ngày 25 tháng 9 năm 1996, chương trình truyền thanh tại Orlando, Florida có một cuộc nói chuyện nhằm tưởng niệm em bé Ursula Sunshine Assaid đã bị giết chết một cách dã man mười bốn năm trước. Lúc đó bé gái Ursula mới được 5 tuổi, theo hình chụp, là một em bé rất kháu khỉnh, xinh xắn, nhưng em có một bà mẹ hết sức vô tâm. Bà ta yêu và say mê một cách mù quáng tên nhân tình là Donald McDoughal, một tên dã man có một không hai đã tra tấn bé Ursula. Cô bé đã bị bỏ đói cả tuần lễ và cuối cùng chính tay Donald đánh đập em đến chết ngay trước mặt bà mẹ đã mất hết tính người. Người kể lại câu chuyện này một cách hết sức thống thiết trên đài truyền thanh là Rollins. Đúng vào lúc 8 giờ 30 là giờ bé Ursula trút hơi thở cuối cùng cách đây 14 năm, Rollins yêu cầu tất cả những thính giả nghe chương trình của ông có một phút mặc niệm. Không ai nghe lại câu chuyện thảm sát trẻ em này mà không cảm thấy hoang mang, căm phẫn. Họ không hiểu tại sao lại có thể có những bà mẹ và tình nhân dã man đến như thế. Tại sao Susan lại đồng tình với Donald để tra tấn và giết chết chính con ruột của bà? Nhưng trong trại giam, nơi Donald đang “tạm trú” và rất có khả năng được tha trong thời gian sắp tới nhờ sự biện hộ của luật sư, thì không hề có ai mặc niệm gì cả. Một tù nhân tên là Arba Earl Barr, 33 tuổi, đang thi hành án giam tại Nhà Tù Avon Park (Avon Park Correctional Institution), cũng lắng nghe câu chuyện thống thiết của bé Ursula. Tên Barr này cũng là một tay tù tội nợ ngập đầu, lãnh án đến 114 năm tù về tội cướp giật và bạo hành. Ngày 1 tháng 10, theo báo cáo của cảnh sát, trong khi Barr và Donald cùng với 200 tù nhân khác đang sinh hoạt ở sân trại giam sau bữa ăn chiều, Barr đã dùng một cây gậy sắt và đập Donald đến chết ngay trước mặt mọi người. Donald đã bị đánh đến chết y hệt như bé Ursula mười bốn năm trước. Nghiệp báo, công lý, hay tác động của truyền thông?

 

Các nhân viên cảnh sát trại giam nói rằng họ cũng đã đề phòng việc này sau khi nghe bài nói chuyện trên đài phát thanh của Rollins nên đã đặt Donald trong chế độ bảo vệ. Một nhân viên cảnh sát tiết lộ rằng một cú điện thoại nặc danh đã gọi đến trại giam và đề nghị thưởng 1000 đô la cho bất cứ ai giết chết Donald. Sau năm ngày bị biệt giam để bảo vệ, Donald nằng nặc đòi thả hắn ra. Ngay buổi chiều hôm hắn được thả, Donald đã bị Barr dùng gậy sắt đánh chết. Vai trò của đài truyền thanh trong cái chết của Donald như thế nào? Đài phát thanh phủ nhận việc đề cập đến phần thưởng 1000 đô la, nhưng đài không chịu cung cấp cuộn băng ghi âm tất cả những cú điện thoại trao đổi trong buổi nói chuyện hôm đó. Cần ghi chú thêm một chuyện rất ít xảy ra tại Việt Nam: khi một người điều khiển chương trình trên truyền hình hay truyền thanh tại Mỹ, anh ta thường khuyến khích khán thính giả tham gia đóng góp ý kiến bằng cách gọi điện thẳng đến đài để trao đổi trực tiếp. Cũng rất có thể trong những câu trao qua đổi qua lại như vậy một người nào đó trong cơn phẫn nộ đã đề nghị thưởng 1000 đô cho bất cứ ai đập chết “thằng khốn nạn” đó. Barr thú nhận với luật sư của hắn rằng nhiều tù nhân cũng nghe cuộc nói chuyện của Rollins và bàn tán sôi nổi với nhau. Nhiều tù nhân đề nghị dùng mền phủ kín Donald để đập cho hắn một trận nhừ tử. Thậm chí còn có tù nhân còn gọi điện đến cho chương trình phát thanh của Rollins để đề nghị phương án “trùm mền đánh chết” này. Trở lại nhân vật chính Donald McDoughal. Sau khi giết chết bé Ursula hắn bị toà kết án 34 năm tù. Susan bị án ngộ sát (manslaughter) là 15 năm. Đã hai lần Donald suýt chút nữa được công lý dung tha, nhưng tiểu bang Florida lại siết chặt các đạo luật liên quan đến việc phóng thích phạm nhân nên Donald lại phải nằm yên chờ thời. Nhưng một tuần trước khi Donald bị giết trong tù, tòa án tối cao tiểu bang Florida đã lật ngược lại các thay đổi trước đây và như thế Donald rất có khả năng sẽ được phóng thích vào thứ sáu tuần trước. Công lý nước Mỹ lại chuẩn bị ném ra xã hội một tên sát nhân có tầm cỡ, nhưng “may mắn thay” hắn đã đền tội ngay trước khi được thả ra, mặc dù nhân vật “thi hành án” lại là một tên cũng thuộc dạng chẳng ra gì trong xã hội.

Rollins hoàn toàn chối bỏ mọi trách nhiệm liên quan đến cái chết của Donald trong tù, mặc dù chính bài nói chuyện đầy “cảm hứng” của anh đã dẫn đến việc Donald bị đánh chết. Anh khẳng định: “Chúng tôi chỉ là những người phát biểu ý kiến cá nhân và giúp cho người khác có thể nói lên ý kiến của họ.” Anh cho biết nhiều người vẫn tiếp tục gọi điện và gửi fax đến đài nhờ chuyển tiền thưởng cho “chiến sĩ thi hành công lý” Arba Earl Barr. Phản ứng đối với câu truyện này chắc chắn là hết sức đa dạng. Nhiều người có thể cho rằng cái chết của Donald thể hiện một loại công lý vô hình, nếu không muốn nói thẳng ra là luật quả báo đã chi phối cái chết của Donald. Nhiều người có thể nghiêm khắc đặt vấn đề trách nhiệm của các phương tiện truyền thông. Không thể không nhớ lại vai trò của các parapazzi (phóng viên săn ảnh) đã góp phần gây ra cái chết của công chúa Diana. Dĩ nhiên so sánh giữa nàng Diana xinh đẹp, nhân hậu và tên giết người dã man Donald McDoughal thì thật là bất công, nhưng vai trò của các phóng viên thì như nhau trong hai trường hợp. Đặc biệt là nhân viên điều khiển chương trình Rollins có phương pháp trình bày hết sức hấp dẫn và đầy kích thích, người bình thường nghe còn nổi lòng căm giận muốn quan toà lôi ngay tên sát nhân ra pháp trường, huống hồ gì mấy tay anh chị hầm hố máu “đã hâm nóng sẵn” trong tù. Nhưng đa số là thỏa mãn trước việc công lý được “thi hành ngoài vòng pháp luật” theo kiểu phim ảnh Charles Bronson và họ sẵn sàng “mặc niệm” cho hương hồn Donald McDoughal bằng cách gửi tiền tặng cho Arba Earl Barr.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo