Trong thông điệp Fides et ratio (Đức tin và lý trí) của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gửi các giám mục thuộc hội thánh công giáo về tương quan giữa đức tin và lý trí năm 1998 Đức Thánh Cha có viết: “Đức tin và lý trí là đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý. Thiên Chúa đã in vào tâm khảm con người khát vọng nhận biết chân lý, và sau cùng để nhận biết chính Người, một khi đã biết và yêu mến Người thì con người cũng nhận biết chân lý đầy đủ về chính mình” (xc. Xh 33,18; Tv 27,8 – 9; 63, 2 – 3; Ga 14, 8; 1Ga 3, 2). Có lẽ đây cũng là ý của Đức Giáo hoàng Benedict XVI trong bài thuyết trình tại đại học Regensburg (Đức) ngày 12 tháng 9 năm 2006, bài thuyết trình có nhan đề “Glaube, Vernunft und Universität— Erinnerungen und Reflexionen” (Đức tin, lý trí và đại học: những hồi ức và suy niệm). Trong bài thuyết trình này, Đức Giáo hoàng Benedict XVI có trích dẫn lời của hoàng đế Manuel II Palaiologos vào thế kỷ 14, vị hoàng đế theo đạo Thiên chúa cuối cùng của đế chế La Mã trước khi Constantinople sụp đổ vào năm 1453, nói về Hồi giáo (Islam) và chính điều này đã gây ra phản ứng chống đối dữ dội tại các quốc gia theo tôn giáo này. Lời nhận xét của vị hoàng đế này về Hồi giáo, theo đúng bản tiếng Anh của tòa thánh Vatican, như sau: “Hãy cho ta thấy Muhammad đã đem lại điều gì mới mẻ và các ngươi chỉ tìm thấy đó là những điều vô nhân đạo và tàn ác, như mệnh lệnh của ông ta là phải phổ biến đức tin mà ông ấy rao giảng bằng thanh gươm”. Khi trích lại câu nhận xét này của vị hoàng đế Manuel II, Đức Giáo hoàng muốn phân biệt rõ, một bên là quan điểm của Thiên chúa giáo (đại diện là hoàng đế Manuel II) rằng: “không hành động phù hợp với lý trí là đi ngược lại với bản tính của Thiên chúa”, với quan điểm của Hồi giáo (đại diện là Theodore Khoury, một học giả Hồi giáo), cho rằng Allah (Thiên chúa) vượt cao hơn lý trí của con người và ý chí của Ngài không thể bị bất kỳ nguyên tắc nào, kể cả lý trí, giới hạn.
Khi trích dẫn câu nói của hoàng đế Manuel II, Đức Giáo hoàng Benedict XVI muốn chỉ ra một đặc điểm mà vị hoàng đế kia phản đối nơi Hồi giáo “truyền đạo bằng gươm” (forced conversion) và cho rằng điều thực hành này mâu thuẫn với lời dạy trong kinh Qur’an rằng “trong tôn giáo không có sự ép buộc”.
Đức Giáo hoàng Benedict XVI muốn nói rằng giữa thực hành và giáo lý Islam có sự mâu thuẫn. Theo quan điểm thần học kinh viện hậu Tôma Aquinô (mà Đức Giáo hoàng Benedict XVI chấp nhận): Thiên chúa là Logos (Lý tính nhập thể) và con người là vật thụ tạo của Ngài (Imago Dei) nên con người khi hành động phải căn cứ trên các nguyên tắc của Lý tính và các nguyên tắc này không hề mâu thuẫn với Đức tin. Trong khi Allah của Hồi giáo lại siêu vượt cả các nguyên tắc của Lý tính. Nghĩa là Allah có quyền mâu thuẫn với chính Ngài nếu Ngài muốn. Theo Đức giáo hoàng Benedict XVI, một cuộc đối thoại thực sự giữa các tôn giáo phải có cơ sở trên các nguyên tắc rộng rãi nhất của Lý tính. Sau khi bị phản ứng dữ dội Tòa thánh có ra thông cáo giải thích lại ý nghĩa “thực sự” của bài thuyết trình nói trên của Đức giáo hoàng Benedict XVI và nhấn mạnh rằng ý của Đức Thánh Cha nhấn mạnh việc chống lại bạo lực bất kể vì lý do gì hay xuất phát từ bất kỳ tôn giáo nào (chứ không phải chỉ nói riêng Islam). Xem ra lời biện luận này cũng chẳng có giá trị bao nhiêu trong việc làm giảm sự công kích nhằm vào bài thuyết trình.
Với vai trò đứng đầu Hội thánh Công giáo, Đức Thánh Cha luôn luôn phải đương đầu với hai yêu cầu mâu thuẫn nhau trong việc đối thoại với các tôn giáo khác:
-
Bảo vệ đức tin và bản chất đặc thù của Công giáo (defend genuine Catholic faith and identity)
-
Phê phán những thực hành sai trái (ví dụ bạo lực) nơi các tôn giáo khác nhưng vẫn phải tôn trọng các tôn giáo đó, ví dụ phải tôn trọng đức tin và bản sắc đặc thù của Hồi giáo (chẳng hạn việc một nhà thần học Hồi giáo nổi tiếng cho rằng Allah đứng cao hơn cả lý trí và Ngài có thể vượt qua mọi quy luật mà chính Ngài đã đặt ra.