(Ảnh: Internet)
Có nên sống theo bản tính tự nhiên của mình? Quan điểm các mọi người nghĩ sao về vấn đề này?
Luận điểm của chúng tôi
Rất nhiều những đầu sách viết cho giới trẻ thường sử dụng một câu trích dẫn mà nhiều bạn rất thích: “Hãy sống theo bản tính của mình!” “Tôi là thiên tài, bạn cũng thế!” Nếu đây chỉ là một khẩu hiệu nhằm tiếp thêm động lực vào những tâm hồn đang chơi vơi, mất phương hướng do nhiều nguyên nhân phức tạp không thể giải thích được thì nó rất đúng, vì trong cái thế giới vốn đã có nhiều dối trá thì thêm một lời dối trá nữa cũng chẳng làm tình hình phức tạp hơn chút nào. Nhưng khi nhìn lại câu slogan trống rỗng này chúng ta sẽ thấy nó có dáng dấp của một sự ngụy biện.
Trước hết, câu này có nghĩa là gì? Đây là những giả định (assumptions) tiềm ẩn trong lời khuyên này:
1-Bạn có sẵn một thứ “bản tính” bẩm sinh nào đó, theo kiểu Mạnh Tử (“nhân chi sơ tính bản thiện= human nature is good) hay Tuân Tử (“nhân chi sơ tính bản ác= human nature is evil).
2-Sống theo bản tính “đích thực” của mình thì sẽ “thành công” hay “hạnh phúc.”
Đây là một loại ngụy biện vì nó liên quan đến những “thành phần” khác chưa được xác định rõ:
1-Có bằng chứng gì cho thấy con người có một thứ “bản tính” cố định (giang sơn dị cải, bản tính nan di)?
2-Nếu sống theo cái “bản tính” này chúng ta có thể được “hạnh phúc” hoặc “thành công” hay không? Hay là cứ sống “hòa đồng vui vẻ” với mọi người, chạy theo các xu hướng thời đại thì chúng ta sẽ dễ “thành công” và “hạnh phúc” hơn?
3-Nhưng thế nào là “thành công”? Thước đo tiêu chuẩn của nó là gì? Của ai? Của thời nào? Mozart thành công hơn hay Sơn Tùng thành công hơn?
4-Mà “hạnh phúc” là cái gì? Nếu như thế thì việc dùng chất kích thích, gây nghiện như ma túy thì có thể mang lại “hạnh phúc” không? Hoặc ví dụ nếu “xâm hại một ai đó” mà mang lại “hạnh phúc” cho một người thì người đó có nên tiếp tục “đấu tranh” cho “hạnh phúc” của đời mình không?
Trong triết học có một thứ ngụy biện gọi là Cái gì tự nhiên thì tốt (Naturalistic Fallacy). Nhưng khi chúng ta suy nghĩ sâu hơn về điều này thì chúng ta nhận ra là không có khái niệm nào mơ hồ, gây tranh cãi nhiều hơn là khái niệm “tự nhiên”, ví dụ ăn uống “tự nhiên” hay ăn mặc “tự nhiên” là thế nào? Là ăn một con cá còn sống mà không qua bất kỳ bước sơ chế và chế biến nào? Hay rằng phải ăn mặc như ông ADAM hay bà EVA trong vườn địa đàng là tốt nhất? Sinh ra một đứa trẻ nhưng không cần dạy dỗ mà đem chúng vào rừng thì sẽ là tốt nhất chăng? Nói năng “tự nhiên” tức là cứ nói thẳng những điều mình suy nghĩ trong đầu cho đối phương biết: “Anh là một thằng ngốc nhất hành tinh!” hay là theo lối “giả tạo” thông thường (cái mà chúng ta gọi là “phép lịch sự”)? Thật ra lịch sử của nhân loại chính là một quá trình thuần hóa tất cả những bản năng động vật của con người, giúp con người trở nên văn hóa hơn, văn minh hơn, trở nên “con người” hơn. Vậy thì cái nào tốt hơn? “Tự nhiên” hay là “văn hóa”? Ngay cả thảo dược cũng phải qua chế biến mới dùng được, chứ không phải hái “dâm dương hoắc” trong rừng nhai nuốt thì xem như đã uống Viagra. Cái gọi là “mật ong rừng nguyên chất” đầy vi khuẩn độc hại không thể hái xuống “dùng” trực tiếp được. Nhiều ngư dân đã “khép lại cuộc đời” trước thời hạn chỉ vì ăn mật cá sống ngoài biển theo kiểu “tự nhiên là tốt nhất” như vậy.
Kết luận:
1- Con người không có một “bản tính” cho sẵn. Con người đã tạo ra “bản tính” đó trong quá trình trưởng thành và thích nghi với những khó khăn, hạn chế trong cuộc sống thực và tương tác với các thành viên khác cùng chia sẻ một cộng đồng văn hóa.
2- Con người là một sản phẩm phức hợp và phức tạp của 4 yếu tố: di truyền sinh học, xã hội, văn hóa, và môi trường tự nhiên, nhưng con người vẫn có một đặc điểm hết sức “con người” đó là: Khả năng vượt qua tất cả những yếu tố đó thông qua sự học hỏi cái mới. Tất cả các động vật khác được biết cho đến hiện nay đều thua xa loài người về khả năng này.
3- Nhưng khi phát biểu “Hãy sống theo bản tính của bạn!” chúng ta chỉ muốn nhắc nhở rằng “anh chỉ có một cuộc đời để sống, vậy hãy sống theo những mục đích, đam mê của riêng mình, không cần phải chạy theo các xu hướng xã hội đang thịnh hành” thì câu nói này có thể chấp nhận được theo nghĩa quán dụng phổ thông của nó. Đương nhiên, vì là một thành viên văn hóa-xã hội cụ thể, chúng ta không thể “chọn lựa” những kiểu “đam mê” và “mục đích” mâu thuẫn với các chuẩn mực văn hóa-xã hội. Ví dụ khó lòng có thể chấp nhận một người chọn “sở thích giết người” làm mục tiêu “cao cả” của đời mình và “cương quyết” thực hiện “mục tiêu” đó. Chỉ e rằng bạn chưa kịp thực hiện “đam mê” này thì đã bị xã hội xa lánh và chung tay “gửi” bạn vào bệnh viện tâm thần!