Bàn về yếu tính của chân lý – Martin Heidegger (phần 1)

Bàn về yếu tính của chân lý xuất bản lần đầu năm 1943. Chắc chắn là sự lừa đảo, giả vờ che đậy, sự dối trá, sự qua mặt, ảo tưởng, và trá ngụy – nói tóm, đủ mọi loại không phải là chân lý – đều được gán ghép cho con người. Nhưng dĩ nhiên không phải là chân lý thì đối lập với chân lý. Vì lý do này, với tư cách không tham dự vào yếu tính của chân lý, một cách phù hợp nó phải bị loại ra khỏi câu hỏi liên quan đến yếu tính thuần túy của chân lý.

Các bản dịch Bàn về yếu tính của chân lý được tham khảo

Bàn về yếu tính của chân lý xuất bản lần đầu năm 1943. Bài viết được chúng tôi dựa theo ấn bản 1978. M. Heidegger, Vom Wesen der Wahrheit, đăng trong tuyển tập Wegmarken, do Vittorio Klosterman biên tập (Frankfurt am Main: V. Klostermann, 1978), pp. 175-199. Bên cạnh ấn bản năm 1978, chúng tôi tham khảo thêm các bản dịch Bàn về yếu tính của chân lý sau:

  • Bản tiếng Pháp, De l’essence de la vérité, De Waehlens et W. Biemel biên dịch, (Paris- Louvain, 1948).
  • Bản tiếng Pháp của Alain Boutot: De l’essence de la vérité (2001).
  • Bản tiếng Anh của John Sallis, “On the Essence of Truth” nằm trong tuyển tập Pathmarks do William McNeil biên tập, phiên dịch. Cambridge University Press (1998).
  • Bản tiếng Việt của Phạm Công Thiện, Về thể tính của chân lý. NXB. Hoàng Đông Phương. 1968.

Thư Hiên Dịch Trường đăng tải bản dịch này thành 3 phần. Mời quý bạn tiếp tục đón đọc hai phần tiếp theo.

ban-ve-yeu-tinh-cua-chan-ly

Chủ đề thật sự trong Bàn về sự yếu tính của chân lý

Chủ đề của chúng ta là về yếu tính của chân lý. Vấn đề yếu tính của chân lý không phải là chú tâm tìm hiểu xem chân lý có phải là chân lý của kinh nghiệm thực tiễn hoặc của sự tính toán kinh tế, không phải tìm hiểu xem chân lý có phải là chân lý của sự khảo sát kỹ thuật hay của sự khôn khéo chính trị, hoặc đặc biệt hơn nữa, cũng không phải là tìm chân lý của sự khảo cứu khoa học hay của sáng tác nghệ thuật, cũng không phải là chân lý của tư tưởng suy lý hay của tín ngưỡng. Vấn đề yếu tính thì không hề chú ý đến tất cả những thứ chân lý ấy mà lại chỉ quan tâm đến một điều duy nhất, đó là điều gì nêu lên được điểm đặc trưng của “chân lý”.
ban-ve-yeu-tinh-cua-chan-ly
Điều gì nêu lên được điểm đặc trưng của “chân lý”

Câu hỏi về yếu tính của chân lý

Tuy nhiên, phải chăng khi đặt câu hỏi về yếu tính, chẳng phải chúng ta đang chơi vơi trong khoảng không của tính phổ biến, làm tư tưởng phải bị chết ngạt? Phải chăng tính cách kỳ lạ của một câu hỏi như vậy đã phơi bày ra tính chất thiếu nền tảng của tất cả triết lý? Mọi tư duy triệt để hướng về cái đang tồn tại thực đều ngay từ đầu phải nhấn mạnh một cách kiên quyết việc xác lập một chân lý thực sự có thể hôm nay cho chúng ta một thước đo, một điểm tựa, để chống lại những ý kiến và của những tính toán lộn xộn. Đối mặt với nhu cầu hiện nay của chúng ta, thì câu hỏi về yếu tính của chân lý phỏng có ích lợi gì, vì câu hỏi “trừu tượng” ấy đã gạt bỏ, không xem xét đến những gì đang tồn tại thực? Chẳng phải câu hỏi về yếu tính của chân lý là câu hỏi thừa thãi, vô nghĩa nhất hay sao?
Không ai có thể tránh né tính cách xác thực hiển nhiên của những lý lẽ vừa nêu. Không ai có thể dễ dàng phớt lờ sự nghiêm trọng mạnh mẽ của chúng. Nhưng những lý lẽ ấy nói lên điều gì? Dường như chúng đang nói lên cái “lương tri thông thường” của người đời? Cái lương tri này chỉ lải nhải yêu cầu những gì có lợi ích rõ ràng và phản đối tất cả tri thức về yếu tính của hiện thể (Seiendes, das Seiende), tức là loại tri thức cốt yếu từ lâu được gọi là “triết lý.”

Triết lý không bao giờ có thể bài bác lương tri thông thường

Lương tri thông thường cũng cần thiết; nó khẳng định quyền lợi của mình với vũ khí đặc biệt phù hợp với nó, nghĩa là, kêu gọi đến sự “hiển nhiên của các yêu sách và những mối quan tâm của nó.” Tuy nhiên triết lý không bao giờ có thể bài bác lương tri thông thường, vì lương tri thông thường điếc đặc trước ngôn ngữ của triết lý, mà triết lý cũng không hề muốn bài bác, vì lương tri thông thường hoàn toàn mù lòa trước những gì mà triết lý đã đặt ra trước cái nhìn của nó vào yếu tính của sự vật.
Hơn nữa, chúng ta vẫn còn nằm trong sự hợp lý của lương tri thông thường trong chừng mực chúng ta cho rằng mình vẫn an toàn trong những “chân lý” đa dạng thuộc về kinh nghiệm và hành động thực tế, sự nghiên cứu, sáng tác và niềm tin. Hơn nữa bản thân chúng ta càng củng cố mạnh mẽ thêm sự đề kháng của “những điều hiển nhiên” nhằm chống lại tất cả những gì yêu sách phải đặt thành câu hỏi. Vì thế, thậm chí nếu việc đặt câu hỏi về chân lý là cần thiết, thì điều chúng ta yêu cầu là phải có một câu trả lời cho câu hỏi: “Hiện nay chúng ta đang đứng ở đâu?” Chúng ta muốn biết tình thế của chúng ta bây giờ ra sao. Chúng ta muốn có một mục tiêu để đặt ra cho con người trong lịch sử và cho lịch sử của con người. Chúng ta muốn có “chân lý” thực sự. Đã thế thì phải nói chuyện chân lý!
Nhưng khi đòi hỏi có được “chân lý” thực sự thì người ta phải biết chân lý như thế có nghĩa là gì. Hay là phải chăng người ta chỉ biết chân lý bằng “cảm nhận” và theo một cách tổng quát nào đó? Nhưng phải chăng “cái biết” mơ hồ này và sự lãnh đạm về một sự hiểu biết mông lung như thế lại còn bi thảm hơn là dốt đặc về yếu tính của chân lý?

Quan niệm thông thường về chân lý

Thông thường thì chúng ta hiểu “chân lý” là gì? “Chân lý” là một từ cao quí, nhưng cũng thường bị dùng nhiều đến nỗi trở thành gần như vô nghĩa. Từ ấy thường có nghĩa: điều làm một sự việc đúng trở thành đúng. Một “sự việc đúng” là gì? Chẳng hạn chúng ta nói: “Thật vui khi cộng tác để hoàn thành công việc này.” Chúng ta thực sự muốn nói đó là một niềm vui thực sự. Vậy cái đúng là cái có thực. Cũng thế, chúng ta nói đến “vàng thật” để phân biệt với vàng giả. Vàng giả thì không thực sự là vàng như bề ngoài của nó, đó chỉ là một loại vàng trông “giống như thật,” do đó, không thật sự là vàng. Cái gì không thật đối ngược lại với cái thật. Nhưng cái vật nhìn “giống hệt” như vàng thì cũng là một vật thể có thực. Do đó, chúng ta phải nói rõ: “vàng thật tức là vàng ròng, nguyên chất.” Tuy nhiên, cả hai loại vàng đều “có thực”, loại vàng giả đang lưu hành cũng “thực hữu” không kém gì vàng thật. Điều gì đúng về vàng thật không thể được chứng tính bởi sự tồn tại thực thể của nó được. Câu hỏi lập lại: “thực” (tồn tại có thật) và “thật” (nguyên chất) ở đây có nghĩa là gì? Vàng thật (nguyên chất) là vật thể thực sự tồn tại, thực thể của nó tương ứng (in der Ubereinstimmung steht) với ý nghĩa mà chúng ta luôn luôn trước đó đã gán cho từ “vàng.” Ngược lại, khi chúng ta nghi ngờ vàng giả, chúng ta nói, “có một cái gì đó không phù hợp ở đây.” (stimmt nicht) Còn nếu chúng ta không nghi ngờ gì, khi chúng ta cho rằng vàng thật thì phải như thế, chúng ta nói: “Khớp lệnh đấy.” Một sự việc phù hợp, khớp lệnh (Die Sache stimmt).
Chúng ta không những gọi là “thật” một niềm vui chân thực, vàng thật và tất cả loại thực thể như vậy, mà chúng ta còn nói là “đúng” hay “sai,” khi nói đến những phát biểu của chúng ta về những thực thể, chúng đúng hay sai tùy theo chúng thuộc loại gì, chúng có thể là thế này hay thế khác trong tồn tại thực hữu của chúng. Một phát biểu được xem là đúng khi nội dung lời phát biểu ấy tương ứng với sự thể mà câu phát biểu ấy đang nói đến. Trong trường hợp này chúng ta cũng nói: “điều ấy là phù hợp” mặc dù đây không phải là sự thể hợp đúng mà là một mệnh đề. Cái đúng, dù là một sự thể có thực hay là một mệnh đề, là cái gì đúng, phù hợp, đối ứng (das Stimmende). Đúng thực và chân lý ở đây có nghĩa là sự đối ứng và có ý nghĩa kép: thứ nhất là sự tương hợp (Einstimmigkeit) của một sự thể với một ý tưởng đã có trước về nó, nghĩa thứ hai là tương ứng giữa nội dung của một lời phát biểu và sự thể ấy.
ban-ve-yeu-tinh-cua-chan-ly
Veritas est adaequatio rei et intellectus
Tính chất hai mặt của sự tương ứng ấy đã được hiển lộ ra trong định nghĩa truyền thống về chân lý: “Veritas est adaequatio rei et intellectus,” Câu ấy có thể hiểu là: chân lý là tương ứng (Angleichung) giữa sự vật và tri thức. Tuy nhiên câu trên cũng có thể có nghĩa là: chân lý là sự phù hợp của tri thức với sự vật. Phải thừa nhận rằng mệnh đề trên thường được viết theo hình thức veritas est adaequatio intellectus ad rem [chân lý là sự phù hợp của tri thức với sự vật]. Tuy nhiên chân lý được hiểu như thế, nghĩa là chân lý mệnh đề, chỉ có thể có được trên nền tảng của chân lý thực kiện (Sachwahrheit): adaequatio rei ad intellectum [sự tương ứng của sự vật với tri thức]. Cả hai quan niệm về yếu tính của chân lý (veritas) thì luôn luôn hàm chứa ý nghĩa “phù hợp với” (sich richten nach), và do đó nhiều người nghĩ rằng chân lý là sự chuẩn xác, chính xác (Richtigkeit).
Tuy vậy, cách phát biểu thứ hai này không phải đơn thuần chỉ là đảo ngược của cách phát biểu thứ nhất. Thật ra intellectus [tri thức] và res [sự vật] có hai ý nghĩa khác hẳn nhau trong hai trường hợp. Để hiểu được điều này, chúng ta phải lần bước tìm lại nguồn gốc của câu phát biểu thông thường ấy về chân lý trong thời đại nguồn gốc gần nhất của nó, nghĩa là thời trung cổ. Chân lý (veritas) theo nghĩa “sự phù hợp của sự vật với tri thức” [adaequatio rei ad intellectum] không ngụ ý quan niệm siêu nghiệm sau này của Kant (điều ấy chỉ có thể thực hiện trên nền tảng chủ thể tính thuộc yếu tính con người) là “những sự thể phải phù hợp với tri thức của chúng ta.” Đúng hơn chân lý trong câu phát biểu trên lại có hàm nghĩa thần học Thiên Chúa Giáo, những sự vật là vật thụ tạo (ens creatum) tương ứng với một ý niệm có trước trong trí năng Thiên Chúa (intellectus divinus), nghĩa là nếu một sự vật tương ứng với một ý niệm như vậy thì sự vật đó được xem là “đúng thực.” Trí năng của con người (intellectus humanus) cũng là vật thụ tạo (ens creatum). Vì là một quan năng do Thiên Chúa ban cho, trí năng con người phải thỏa mãn ý tưởng của Ngài. Nhưng sự hiểu biết này [của con người] chỉ tương ứng với ý tưởng [của Thiên Chúa] bằng cách tạo ra sự tương ứng trong các mệnh đề của nó giữa tư tưởng và sự vật, rồi đến lượt sự vật ấy cũng phải tương ứng với tư tưởng. Nếu tất cả hiện thể đều là “vật thụ tạo,” thì khả tính về tri thức con người phải xây trên nền tảng trên sự kiện rằng sự vật và mệnh đề [phát biểu về nó] đều tương ứng với ý tưởng [của Thiên Chúa] theo cùng một cách và như thế sẽ khớp lệnh với nhau trong sự thống nhất của kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa. Chân lý theo nghĩa sự tương ứng của sự vật (adaequatio rei = tức là vật thụ tạo = creandae) với trí năng (ad intellectum = của Thiên Chúa = divinum) bảo đảm cho chân lý theo nghĩa “sự phù hợp của trí năng của con người (adaequatio intellectus humani) với vật thụ tạo” (ad rem creatum). Xuyên suốt qua lịch sử chân lý chủ yếu vẫn mang theo hàm nghĩa là convenientia (thỏa thuận), nghĩa là việc các hiện thể, với tư cách là những vật thụ tạo, đi vào trong thỏa thuận với Đấng Tạo Hóa, một thỏa thuận liên quan đến việc chúng sẽ được xác định vai trò như thế nào trong trật tự của sáng tạo. Nhưng trật tự này, khi đã tách rời khỏi ý niệm sáng thế của tạo hóa, có thể được thể hiện một cách chung chung, tổng quát là trật tự của trần thế. Loại trật tự được quan niệm theo kiểu thần học này đã bị thay thế bởi khả năng của tất cả tạo vật giờ đây được một loại trí năng thế giới (Weltvernunft) an bài trong một loại trật tự khác, trí năng này tự lập ra các định luật cho chính mình và tuyên bố rằng chúng hoàn toàn có thể hiểu được bằng lô gíc. Yếu tính của chân lý mệnh đề nằm trong tính chuẩn xác của những câu phát biểu giờ đây không cần phải chứng minh thêm nữa.
Ngay cả khi mà chúng ta cố gắng giải thích – với một sự thất bại rõ ràng – làm thế nào sự chuẩn xác có thể xảy ra thì chúng ta cũng đã tiền giả định rằng sự chuẩn xác là yếu tính của chân lý rồi. Cũng thế, chân lý vật thể vẫn luôn luôn có nghĩa là sự tương hợp của sự vật với ý niệm “hợp lý” về yếu tính của nó. Người ta thường có ấn tượng rằng định nghĩa yếu tính của chân lý theo cách này là hoàn toàn độc lập, không dính dáng đến sự giải thích về yếu tính của Tính Thể của tất cả hữu thể cụ thể (Sein alles Seienden). Điều này lại đòi hỏi một sự giải thích tương đương về yếu tính của con người với tư cách là kẻ có trí năng và thực hành trí năng (intellectus). Vậy thì công thức về yếu tính của chân lý (veritas est adaequatio intellectus et rei) đã thâu đạt được một giá trị phổ quát, vì nó hiển nhiên ngay lập tức với tất cả mọi người. Dưới sự thống trị của sự hiển nhiên (Selbstverständlichkeit) mà ý niệm này về chân lý đã tạo ra, chúng ta khó lòng nhìn thấy nền tảng chính yếu nhất của ý niệm này và cũng rõ ràng hiển nhiên không kém là những gì đối lập với chân lý sẽ bị xem là không có chân lý. Một phát biểu không có chân lý có nghĩa là lời phát biểu đó không tương ứng với sự thể. Một sự thể không đúng thật (Unechtheit) có nghĩa là không có sự phù hợp của nó với yếu tính của nó. Trong cả hai trường hợp, không có chân lý có nghĩa là không có sự tương ứng (Nichtstimmen). Sự thiếu tương ứng này nằm ngoài yếu tính của chân lý. Vì thế, khi đặt vấn đề thấu hiểu yếu tính thuần túy của chân lý, sự thiếu thốn chân lý, vì bị xem là đối lập với chân lý, có thể bị gạt qua một bên. Thế thì, có thực sự cần phải có một sự vén màn đặc biệt nào đó về yếu tính của chân lý không? Có phải yếu tính thuần túy của chân lý đã được minh giải thích đáng trong quan niệm thông thường về chân lý, nghĩa là quan niệm này không bị bất cứ lý luận nào làm cho rối loạn mà lại được đảm bảo bởi tính minh nhiên (Selbstverständlichkeit) của nó? Tựu chung, nếu chúng ta dò tìm lại từ chân lý mệnh đề đến chân lý vật thể như nó xuất hiện lần đầu tiên, nghĩa là một giải thích theo điệu thần học, và nếu chúng ta gạt bỏ các tạp chất từ thần học ra khỏi một định nghĩa triết học về chân lý và chỉ giới hạn ý niệm của chân lý trong chân lý mệnh đề phán đoán thì chúng ta sẽ chạm mặt với một truyền thống cổ kính của tư tưởng, dù chưa phải là truyền thống cổ kính nhất. Theo truyền thống ấy thì chân lý là sự hài hòa (Übereinstimmung: homoiosis) của ngôn từ (logos) với một sự vật cụ thể (pragma). Những tính chất gì trong câu phát biểu đó đáng được đặt thành câu hỏi, miễn là chúng ta hiểu được việc “hài hòa” giữa một phát biểu và một sự vụ có nghĩa là gì. Chúng ta có biết điều đó không?

Khả tính nội tại của sự hài hòa (Übereinstimmung)

Chúng ta nói đến “hài hòa” trong những nghĩa khác nhau, chẳng hạn như khi nói rằng hai đồng tiền có giá trị năm mác nằm trên bàn hài hòa với nhau, vì chúng giống nhau. Cả hai hài hòa nhờ vẻ bên ngoài như nhau. Chúng hài hòa với nhau nhờ có điểm chung là bề ngoài giống nhau. Hơn nữa, chúng ta cũng nói về sự hài hòa khi chúng ta nói về đồng tiền năm mác này: đồng tiền này thì tròn. Ở đây, câu phát biểu “hài hòa” với sự vật. Sự hài hòa có được, không phải giữa sự vật này và sự vật kia mà giữa một câu phát biểu và một sự vật. Nhưng, một câu phát biểu và sự vật “hài hòa” với nhau ở điểm nào khi mà cả hai có bề ngoài khác hẳn nhau? Đồng tiền bằng kim khí, câu phát biểu thì không mang tính vật chất. Đồng tiền thì tròn, còn câu phát biểu được nói ra, nó không chiếm một khoảng không gian nào cả. Chúng ta có thể mua một cái gì đó với đồng tiền, nhưng một câu phát biểu thì không thể là phương tiện mua bán được.
Dù có sự khác nhau giữa hai thực thể, câu phát biểu, nếu đúng, vẫn hài hòa với đồng tiền. Theo quan niệm thông thường về chân lý sự hài hòa này được coi là sự tương ứng (Angleichung). Làm thế nào mà một câu phát biểu, một thực thể hoàn toàn khác hẳn, lại có thể tương ứng với đồng tiền? Nếu muốn thế, thì câu phát biểu phải trở thành đồng tiền và phải từ bỏ chính nó hoàn toàn. Không có câu phát biểu nào có thể làm được như vậy. Lúc một câu phát biểu có thể biến thành một đồng tiền như vậy thì nó không còn là chính nó để hài hòa với đồng tiền. Trong sự hài hòa, một câu phát biểu phải là chính nó. Vậy thì yếu tính của một câu phát biểu là gì khi nó hoàn toàn khác hẳn với mọi sự thể khác? Làm thế nào nó có thể tương ứng với một sự vật khác, chính xác là bằng cách kiên trì ở lại trong chính bản tính của nó?
Trong trường hợp này, sự tương ứng không có nghĩa là sự giống nhau giữa hai sự vật thuộc hai loại khác nhau. Yếu tính của sự tương ứng bị qui định bởi mối quan hệ giữa câu phát biểu và sự vật. Khi mối quan hệ này hãy còn chưa xác định và chưa có nền tảng trong yếu tính của nó thì tất cả những tranh cãi về khả tính hay bất khả, về bản chất và mức độ của sự tương ứng, hoàn toàn vô ích. Lời phát biểu về đồng xu đặt quan hệ với đồng xu bằng cách trình hiện (vorstellen) nó và nói về cái được trình hiện (tức đồng tiền) nó như thế nào, tùy theo một góc nhìn đặc thù nào đó đã hướng dẫn cho nó [lời phát biểu]. Điều được phát biểu trong câu trình bày nói về cái được trình hiện theo một thể cách nào đó như sự vật trong chính bản thể của nó. Cái “như” này có liên quan đến sự trình hiện và cái được trình hiện. Gạt sang một bên những quan niệm tiên kiến mang tính tâm lý học hay lý thuyết về ý thức, trình hiện trong trường hợp này có nghĩa là để cho sự vật đứng đối diện như một đối thể (Entgegenstehenlassen des Dinges als Gegenstand). Khi được đặt định như vậy, sự vật đứng đối lập phải băng qua cả một khoảng đồng mở rộng của sự đối lập (ein offenes Entgegen durchmessen) tuy nhiên đối thể này vẫn phải duy trì vị thế của nó như một sự vật và tự hiển bày ra như một điều gì đó nổi bật lên (ein Standiges). Sự xuất hiện của một vật khi băng qua một cánh đồng đối lập diễn ra trong một khai vực rộng mở (das Offene), tính mở (Offenheit) của khai vực này thoạt tiên không phải do sự trình hiện tạo ra mà được đi vào và chiếm giữ như một lãnh vực của tính quan hệ (Bezugsbereich). Mối quan hệ giữa câu phát biểu trình hiện và sự vật là sự hoàn thành động thái (Verhaltnis) đó, động thái mà lúc đầu và luôn luôn ngự trị như một tư thái (Verhalten). Nhưng tất cả mọi tư thái đều nổi bật ở chỗ, đứng giữa một khai vực rộng mở, chúng kiên trì bám trụ lấy sự thể đã được khai mở ra như thế (ein Offenbares als ein solches). Sự thể được khai mở ra như thế, trong lịch sử sơ kỳ của tư tưởng phương Tây, được thể nghiệm như “cái hiện tiền,” (das Anwesend) và trong một thời gian dài “cái hiện tiền” này có tên gọi là “hiện thể” (das Seinde).
Tất cả tư thái đều đứng mở ra (offenständig) trước hiện thể. Tất cả tính quan hệ mở đều là tư thái. “Tính mở ra” (Offenständigkeit) của con người thay đổi theo bản chất của các hiện thể và phương thức ứng xử của tư thái. Mọi sự làm việc và thành tựu, mọi hành động và tính toán, gìn giữ một khai vực mở trong đó các hiện thể, liên quan đến việc chúng là gì và như thế nào, có khả năng hành xử đúng vị thế của chúng và có thể được nói đến. Điều này chỉ xảy ra nếu các hiện thể tự trình hiện cùng với câu phát biểu trình hiện sao cho câu phát biểu này phải phục tùng mệnh lệnh phải nói đến các hiện thể như chúng là. Khi tuân thủ một mệnh lệnh như vậy câu phát biểu đã qui thuận vào các hiện thể. Phát ngôn nào tuân theo chỉ thị này là phát ngôn đúng. Điều được nói ra như vậy là điều đúng. Một câu phát biểu được phú cho tính chuẩn xác bởi tính khai mở của tư thái hành động. Vì chỉ thông qua tư thái ứng xử mà cái được khai mở mới trở thành chuẩn thức cho trước (Vorgabe) cho sự tương ứng trình hiện. Tư thái mở phơi phải áp dụng chuẩn thức này cho chính mình. Điều này có nghĩa là nó phải chiếm giữ một chuẩn thức cho trước cho tất cả mọi trình hiện. Điều này thuộc về tính mở của tư thái. Nhưng nếu tính đúng đắn (chân lý) của những câu phát biểu chỉ trở thành khả thi thông qua tính mở của tư thái thì điều gì đầu tiên khiến cho tính đúng đắn khả thi phải được xem là yếu tính của chân lý với tất cả đặc quyền nguyên sơ của nó.
Như thế việc truyền thống chỉ ấn định chân lý riêng cho các câu phát biểu xem như là vị thế tàng chứa chủ yếu của chân lý đã sụp đổ. Chân lý lúc sơ nguyên không cư ngụ trong mệnh đề. Nhưng cùng lúc câu hỏi về nền tảng của khả tính nội tại của tư thái mở đã ban cho trước một chuẩn thức, chuẩn thức mà chỉ có khả tính đem lại cho sự chính xác mệnh đề cái vẻ ngoài của việc hoàn tất yếu tính của chân lý.
ban-ve-yeu-tinh-cua-chan-ly
Martin Heidegger

Nền tảng của khả tính chuẩn xác (Richtigkeit)

Từ đâu mà câu phát biểu trình hiện nhận được mệnh lệnh phải qui phục về đối thể và phải tương hợp với nó bằng cách phải là một câu phát biểu đúng? Tại sao sự tương hợp này có dính líu đến yếu tính của chân lý? Làm thế nào mà việc thành tựu một sự vụ như mệnh lệnh cho sẵn có thể xảy ra? Điều này chỉ có thể xảy ra khi sự cho trước này đã tự do đi vào một khai vực mở vì một sự thể nào đó đã mở ra, sự thể này ngự trị trong đó và ràng buộc tất cả mọi trình hiện. Giải thoát chính mình vì một mệnh lệnh ràng buộc chỉ có thể xảy ra khi chúng ta tự do để cho một sự thể mở ra trong một khai vực. Sự tự do này đã chỉ ra yếu tính của chân lý, điều mà từ trước đến giờ chúng ta vẫn chưa hiểu được. Tính mở của tư thái là điều kiện nội tại của khả tính chuẩn xác có nền tảng trong tự do. Yếu tính của chân lý là tự do.
Nhưng chẳng phải lời phát biểu này về yếu tính của sự chuẩn xác chỉ thay thế một điều hiển nhiên này cho một điều hiển nhiên khác? Để có thể tiến hành bất kỳ một động tác nào, như thế là hành động phát biểu trình hiện, dù là tương ứng hay không tương ứng với “chân lý,” thì con người hành động cũng phải tự do. Tuy nhiên, mệnh đề trong trường hợp này không thực sự có ý là một hành vi tùy tiện, thiếu kềm chế nào đó thuộc về cách thức tiến hành một lời phát biểu, về cách tuyên bố cũng như cách tiếp nhận nó. Đúng ra, mệnh đề này nói rằng tự do là yếu tính của chính chân lý. Trong bối cảnh này “yếu tính” có nghĩa là “nền tảng của khả tính nội tại” của điều ban đầu và nói chung được thừa nhận là đã biết. Tuy nhiên trong quan niệm của chúng ta về tự do, chúng ta không nghĩ đến chân lý, lại càng không nghĩ đến yếu tính của chân lý. Lời phát biểu cho rằng yếu tính của chân lý (sự chuẩn xác của câu phát biểu) là tự do có vẻ lạ lùng. Đặt chân lý vào trong tự do? Chẳng lẽ điều này có nghĩa là chân lý phải phục tùng cho tính hay thay đổi tùy tiện của con người? Còn có cách nào làm cho chân lý suy yếu triệt để hơn nữa không khi chúng ta bắt nó qui phục cho tính võ đoán của “cây gậy hay chao đảo”? Điều buộc chúng ta phải đưa ra những phán đoán đúng trong cuộc thảo luận trước đây nay đã hiện nguyên hình: chân lý đã bị xô ngược trở về chủ quan tính của con người. Ngay cả khi con người có thể tiếp cận với khách quan tính, sự khách quan này, do ở chung với chủ quan tính, cũng biến thành cái gì đó giống con người và bị con người thao túng.
Chắc chắn là sự lừa đảo, giả vờ che đậy, sự dối trá, sự qua mặt, ảo tưởng, và trá ngụy – nói tóm, đủ mọi loại không phải là chân lý – đều được gán ghép cho con người. Nhưng dĩ nhiên không phải là chân lý thì đối lập với chân lý. Vì lý do này, với tư cách không tham dự vào yếu tính của chân lý, một cách phù hợp nó phải bị loại ra khỏi câu hỏi liên quan đến yếu tính thuần túy của chân lý. Nguồn gốc mang tính người của phi chân lý thực ra càng xác nhận, theo kiểu tương phản, yếu tính của chân lý trong chính bản thân nó là giữ sự tác động vượt ra khỏi con người. Siêu hình học vốn xem chân lý là vĩnh cửu, bất khả hoại diệt, nên không bao giờ xây nó trên nền tảng là sự võ đoán và dòn mỏng vốn thuộc về bản chất của con người. Vậy thì làm thế nào yếu tính của chân lý vẫn sinh cơ lập địa trong tự do của con người? Sự chống đối lại mệnh đề cho rằng yếu tính của chân lý là tự do dựa trên các thành kiến, thành kiến dai dẳng nhất cho rằng tự do là một tố chất của con người. Yếu tính của tự do thì không cần và cũng không cho phép được đặt câu hỏi thêm nữa. Ai cũng biết con người là gì rồi.
Ts. Dương Ngọc Dũng
Sách cùng tác giả để quý bạn có thể tham khảo thêm: Hữu thể và thời gian – Martin Heidegger

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo