Quấy rồi tình dục ở Mỹ

(Ảnh: Internet)

Điều nghịch lý nhất khi tìm hiểu về văn hoá Mỹ là tại một xứ sở vốn nổi tiếng về chuyện tự do thoải mái (đặc biệt là chuyện tình dục) lại có những phản ứng hết sức cực đoan đối với vấn đề quan hệ nam nữ. Giáo sư Alan Dershowitz, dạy luật lại đại học Harvard, kể rằng một số nữ sinh viên dọa sẽ kiện ông tội “quấy rối tình dục” (sexual harassment) vì trong giảng khóa ông đã bỏ khá nhiều thì giờ phân tích những vụ án hiếp dâm. Giáo sư Dershowitz nhắc thêm: đối tượng chính của giảng trình là nghiên cứu luật hình sự (tức phải bao gồm việc phân tích những vụ án như hiếp dâm, sát nhân..vân..vân). Một giáo sư khác, J. Donald Silva, đã bị một nữ sinh viên đệ đơn kiện về một so sánh kỹ thuật có liên quan đến “múa bụng” (belly dancing). Trường đại học cho rằng giáo sư Silva phạm tội “quấy rối tình dục” nên yêu cầu giáo sư thôi việc để đi khám bệnh tâm thần. Giáo sư Silva làm đơn kiện trường đại học New Hampshire và ông thắng, buộc trường đại học phải thu nhận ông vào giảng dạy trở lại.

 

 Vấn đề gây bức xúc trong giới luật gia Mỹ hiện nay chính là không có một định nghĩa thỏa đáng về thuật ngữ “quấy rối tình dục.” Trước hết là một định nghĩa căn bản: “quấy rối tình dục” là dùng quyền lực của một “ông chủ” chẳng hạn để đòi “được phục vụ” với một “cô nhân viên” nào đó và khi bị cô ta từ chối đã cho cô ta nghỉ việc. Danh từ luật gọi trường hợp này là quid pro quo harassment (quấy nhiễu bằng cách trả thù: quid pro quo= tiếng La Tinh có nghĩa là “ăn miếng trả miếng”). Trường hợp thứ hai mà hệ thống pháp lý Mỹ thừa nhận là “quấy rối tình dục bằng cách tạo ra một môi trường thù nghịch” (hostile environment sexual harassment), có nghĩa là theo đạo luật này bạn có quyền kiện sở làm của bạn treo quá nhiều hình Playboy khiến bạn không thể “tập trung” công tác được. Giáo sư Dershowitz cực lực phản đối trường hợp thứ hai này vì ông cho rằng nó chẳng hề “quấy rối” cũng chẳng liên quan gì đến “tình dục”. Trường hợp giáo sư Graydon Snyder của viện Thần Học thuộc trường đại học Chicago bị một nữ sinh viên kiện là một ví dụ điển hình.

Trong suốt ba mươi năm giảng dạy thần học giáo sư Snyder luôn luôn dùng một ví dụ duy nhất để giải thích sự khác biệt giữa Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo: một người đàn ông bị té từ trên mái nhà xuống và tình cờ rơi vào đúng một người đàn bà đang nằm phía dưới. Cú rơi này “đặc biệt” đến nỗi nó tạo thành một tư thế hết sức “vui vẻ.” Theo quan điểm luật Talmud của Do Thái Giáo, người đàn ông không có tội vì khi thực hiện hành động, anh không hề nghĩ gì về hành động đó (nói theo kiểu Việt Nam là “không cố ý, chỉ vô tình thôi”). Nhưng theo quan điểm Thiên Chúa Giáo (trong Tân Ước) nghĩ tức là làm rồi, chẳng hạn thèm muốn một phụ nữ trong tâm trí thôi cũng đủ để cấu thành tội gian dâm. Sự phân biệt thần học này quá vi tế nên chúng tôi không kéo dài ở đây, nhưng điểm chính là cái ví dụ bình thường trên đây của giáo sư Snyder đã bị một nữ sinh viên diễn giảng là “gây ra một môi trường thù nghịch mang tính chất quấy rối tình dục trong lớp” và cô đã đệ đơn kiện giáo sư Snyder. Cô nhấn mạnh thêm thí dụ trên đã cấu tạo nên cái gọi là “thái độ không cảm xúc trước sự hiếp dâm” (insensitivity to rape) vì mấy tên hiếp dâm luôn luôn biện hộ là “chúng tôi không hề có ý xấu, chúng tôi không hề “nghĩ” đến chuyện đó, chúng tôi chỉ có làm..đại thôi.”

Thay vì chấn chỉnh cô sinh viên thưa gửi bậy bạ, nhà trường lại đồng quan điểm với cô ta và đình chỉ công tác giảng dạy của giáo sư Snyder, yêu cầu ông phải đi chữa bệnh tâm thần vì đã gây ra một “môi trường thù nghịch” trong lớp.

 Vấn đề chính là thuật ngữ hay khái niệm “quấy rối tình dục” ở đây càng ngày càng được mở rộng ý nghĩa. Ban đầu nó chỉ thị một chuyện “ăn nằm” cụ thể do một cá nhân ở một vị trí quyền lực cao hơn đòi hỏi nơi người nhân viên thuộc cấp của mình. Nhưng dần dần ngay cả những “sự vô tình đụng chạm” cũng được liệt kê vào phạm trù QRTD, cuối cùng là ngay cả ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói, cũng bị lôi cổ vào nốt. Điều này xâm phạm điều tu chính thứ nhất (First Amendment) trong hệ thống luật pháp Mỹ vì điều này ghi rõ “đảm bảo quyền tự do ngôn luận” của nhân dân. Đã cho phép nhân dân tự do ngôn luận, sao lại có thể xử phạt “nhân dân” tội “QRTD bằng ngôn ngữ” được?

Năm 1992 hãng bia Stroh bị các nữ nhân viên đệ đơn kiện khi hãng này tung ra một phim quảng cáo trong đó có cảnh các người đẹp mặc áo tắm bikini ôm sẵn mấy thùng bia Stroh nhảy dù xuống các đấng đàn ông đang cắm trại ở phía dưới. Trong đơn tố cáo các nữ công nhân này cho rằng chủ hãng Stroh đã tạo ra một “môi trường thù nghịch” trong hãng bia do đoạn phim quảng cáo nói trên. May mà tòa đã bác đơn kiện của các nữ công nhân “quá đáng” này, nếu họ thắng kiện không biết họ còn sẽ tung ra những “độc chiêu kiện tụng” gì nữa. Theo ngôn ngữ triết học Phật Giáo, cái chúng ta nhận ra trong thế giới thực tại phản ánh chính “tâm tư” của chúng ta. Nếu đã bị tình dục ám ảnh thì nhìn bất cứ cái gì cũng có thể suy diễn ra là cái đó có liên quan đến..”cái đó”. Và nếu đẩy vấn đề cho đến cái hệ quả logic cuối cùng của nó thì luật pháp hiện nay nếu muốn tránh kiện tụng lôi thôi cần phải giao luôn cho các quý cô soạn thảo cho chắc, vì ở Mỹ chỉ có đàn ông mới có nguy cơ bị kết án QRTD chứ còn phụ nữ thì không biết QRTD là gì và để chế giễu các luận điệu ngây thơ này mà Michael Crichton viết cuốn Disclosure đã được chuyển thể thành cuốn phim nổi tiếng cùng tên với nữ diễn viên Demi Moore đóng vai bà sếp “QRTD” một nhân viên dưới quyền do Michael Douglas thủ vai. Nếu giờ đây ngay cả ngôn ngữ cũng bị kết án là vấn đề tự do ngôn luận trở thành một giấc mơ viễn vông trong quá khứ vì bất cứ bạn nói cái gì cũng có thể được phụ nữ diễn giải thành QRTD. Chẳng hạn một câu nói hết sức tầm thường như “Trời đang mưa, khoan về đã” cũng có thể bị kiện ra tòa vì có mục đích “rủ rê đối phương không nên ra về mà nên ở lại để làm chuyện bậy bạ” như bài hát “Đường Xa Ướt Mưa” của Đức Huy cho thấy. Một câu hỏi thông thường như “Anh ấy ra chưa?” cũng có thể bị truy tố về tội “QRTD bằng phương tiện ngôn ngữ”. Nói chung, mọi sự sẽ rối loạn và ai nấy trước khi muốn phát biểu một câu gì nên mời sẵn luật sư đứng bên cạnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo