Ở Bàn về yếu tính chân lý phần 1, chúng ta dừng lại ở nền tảng của khả tính chuẩn xác. Nguồn gốc mang tính người của phi chân lý thực ra càng xác nhận, theo kiểu tương phản, yếu tính của chân lý trong chính bản thân nó là giữ sự tác động vượt ra khỏi con người. Siêu hình học vốn xem chân lý là vĩnh cửu, bất khả hoại diệt, nên không bao giờ xây nó trên nền tảng là sự võ đoán và dòn mỏng vốn thuộc về bản chất của con người. Vậy thì làm thế nào yếu tính của chân lý vẫn sinh cơ lập địa trong tự do của con người?
Yếu tính của tự do
Tuy nhiên, việc chỉ ra mối quan hệ cốt yếu giữa chân lý như là sự chuẩn xác và tự do đã làm bật rễ những quan niệm trước đây, đương nhiên với giả định rằng chúng ta đã sẵn sàng chuẩn bị cho một sự chuyển hóa về tư duy. Việc xem xét mối quan hệ cốt yếu giữa chân lý và tự do dẫn chúng ta đến việc theo đuổi câu hỏi về yếu tính của con người theo phương diện sẽ đảm bảo cho chúng ta một kinh nghiệm về một nền tảng cốt yếu (Wesengrund) của con người (Dasein) đã bị che giấu đi và theo một thể cách sao cho kinh nghiệm đó chuyển dịch chúng ta tiến lên phía trước đi vào cõi miền cốt yếu nguyên sơ của chân lý. Nhưng chính tại đây chúng ta thấy rõ rằng tự do là nền tảng của khả tính nội tại của sự chuẩn xác chỉ vì nó tiếp thu yếu tính của nó từ yếu tính nguyên sơ hơn nữa của chân lý hết sức căn cơ. Tự do trước hết được xác định như là tự do cho điều được khai mở trong một cõi miền khai phóng. Chúng ta phải nghĩ như thế nào đây về yếu tính này của tự do? Điều được khai mở, điều mà một câu phát biểu trình hiện, nếu đúng, phải tương ứng với, là những hiện thể được mở phơi ra trong một tư thái phơi mở. Tự do cho những gì được khai lộ ra trong một cõi miền rộng mở chính là để cho các hiện thể hiện hữu như chúng là (lässt das jeweilige Seiende das Seiende sein, das es ist). Tự do giờ đây đã bộc lộ chính nó như việc để cho các hiện thể là các hiện thể.
Thông thường khi chúng ta dùng đến cách nói “để nguyên như vậy/ bỏ qua đi” (sein lassen) khi chúng ta từ bỏ một công việc mà chúng ta đã lên kế hoạch. “Chúng ta cứ giữ nguyên tình trạng như thế” có nghĩa là chúng ta không đụng chạm gì đến vấn đề đó nữa, chúng ta không muốn dây dưa gì đến nó nữa. “Để nguyên như vậy” trong trường hợp này có nội hàm tiêu cực theo nghĩa là “bỏ mặc nó đi,” từ bỏ vấn đề, lãnh đạm, quên lãng. Tuy nhiên, thuật ngữ mà chúng tôi sử dụng ở đây – để cho các hiện thể là các hiện thể – không ám chỉ sự quên lãng, thờ ơ, mà là trái lại. “Để nguyên như thế” có nghĩa là dấn thân tích cực với các hiện thể (sich einlassen auf). Mặt khác, chắc chắn, điều này không nên hiểu đơn thuần là việc quản lý, bảo tồn, chăm sóc, và lên kế hoạch cho các hiện thể mỗi khi chạm mặt hay tìm kiếm. Để nguyên như thế – để cho các hiện thể là các hiện thể – có nghĩa là dấn thân vào (sich einlassen auf) một khai vực phơi mở và sự mở phơi của nó, khu vực mà tất cả các hiện thể đến lưu trú trong đó, mang sự phơi mở đi theo cùng với chúng. Tư tưởng phương Tây trong giai đoạn sơ kỳ quan niệm khu vực phơi mở này là aletheia, điều không ẩn giấu (das Unverborgene).
Nếu chúng ta phiên dịch “aletheia” là “không ẩn giấu,” (die Unverborgenheit) thay vì là “chân lý,” sự phiên dịch này không hề sát với nguyên văn hơn chút nào. Nó mang theo một mệnh lệnh phải tư duy lại quan niệm thông thường về chân lý theo ý nghĩa sự chuẩn xác của các mệnh đề và phải nghĩ ngược nguồn lên tận ý nghĩa “mở ra” (Entborgenheit) và “sự phơi mở các hiện thể” (Entbergung) vốn vẫn chưa được hiểu một cách thấu triệt. Dấn thân với sự phơi mở của hiện thể không phải là đánh mất mình trong chúng. Nói cho đúng hơn, sự dấn thân như vậy tự rút lui khi đứng trước hiện thể để cho chúng có thể tự bộc lộ chúng là ai, chúng như thế nào, và làm sao để cho một câu phát biểu trình hiện có thể lấy ra một chuẩn thức từ chúng. Việc “để nguyên mọi sự” này tự trình hiện ra trước các hiện thể theo một thể cách nào đó và chuyển dịch mọi tư thái đi vào vùng mở phơi thông thoáng. “Để nguyên như thế,” tức là tự do, trong ý nghĩa nội tại, chính là phơi bày ra (Sein-lassen, d.h. die Freiheit, ist in sich aus-setzend), “tồn hữu xuất sinh” (ek-sistent). Nhìn từ góc độ yếu tính của chân lý, yếu tính của tự do chính là tự hiển lộ ra (setzt sich aus), phơi bày ra, phơi mở ra, trước sự tiết lộ, mở phơi ra của hiện thể.
Tự do không phải đơn thuần là ý nghĩa mà lương tri thông thường hài lòng gán ghép cho nó: tính khí thay đổi thất thường, thỉnh thoảng tỏ ra chọn lựa cầu kỳ, lúc theo hướng này, lúc theo hướng khác. Tự do không phải là thiếu vắng sự kềm chế về việc chúng ta có thể làm được gì, không được phép làm việc gì. Tự do cũng không đơn thuần là sẵn sàng làm theo yêu cầu khi cần thiết (và như thế, một cách nào đó, là một hiện thể). Đi trước tất cả điều này (kể cả tự do tiêu cực và tự do tích cực), tự do chính là dấn thân vào sự khai mở của hiện thể như là thế. Sự khai mở bản thân nó được bảo tồn gìn giữ trong trạng thái dấn thân “tồn lưu xuất sinh,” thông qua đó sự mở phơi của vùng phơi mở (die Offenheit des Offenen), tức là “chỗ đó” (Da), được là cái mà nó là.
Nền tảng căn cơ, từ lâu đã mất nền móng, dựa trên nền tảng đó con người có thể “tồn sinh xuất tính,” được bảo tồn gìn giữ cho hắn trong “hữu tại thế” (Da-sein). Ở đây “tồn sinh” (Existenz) không hề mang nghĩa “tồn tại” (existential) theo nghĩa “xảy ra” (Vorkommen) hay “vật thể tồn tại trước mắt” (Vorhandensein). Nó cũng không mang theo ý nghĩa thời trang là “hiện sinh,” theo nghĩa “nỗ lực đạo đức nhân danh cái tôi của mình,” dựa theo cấu trúc tâm sinh lý cá nhân. “Tồn sinh xuất tính” ở đây, vốn cắm rễ trong tự do, chính là sự mở phơi ra trước sự phơi mở của hiện thể như là thế (die Aussetzung in die Entborgenheit des Seienden als eines solchen). Thực ra, do vẫn không được hiểu thấu, ngay cả khi phải cần đến một căn cơ nền tảng, sự tồn sinh xuất tính này của con người lịch sử khởi sự vào lúc khi nhà tư tưởng đầu tiên giữ một vị thế tra vấn đối với sự không che giấu của hiện thể bằng cách đặt câu hỏi: “Hiện thể là gì?”
Trong câu hỏi này sự không che giấu được thể nghiệm lần đầu tiên. Hiện thể nói chung (das Seiende im Ganzen) đã tự bộc lộ ra như “tự nhiên” (phusis), trong trường hợp này vẫn chưa hề có nghĩa một lãnh vực hiện thể đặc thù nào đó, nhưng là các hiện thể nói chung như là thế, đặc biệt là theo ý nghĩa “hiện diện khởi sinh” (aufgehendes Anwesen). Lịch sử bắt đầu từ khi hiện thể được lôi kéo vào tình trạng không ẩn giấu một cách minh nhiên và được gìn giữ trong đó, chỉ khi sự gìn giữ này được quan niệm trên nền tảng tra vấn về hiện thể như là thế. Sự khai mở uyên nguyên về tính thể nói chung, câu hỏi tra vấn về hiện thể như là thế, và sự khởi đầu của lịch sử Tây Phương, tất cả là một. Chúng xảy ra đồng thời vào một thời điểm không sao có thể đo lường được, lần đầu tiên đã mở phơi ra một cõi miền phơi mở cho mọi sự đo lường.
Nhưng nếu “hữu tại thế” (Da-sein), tồn sinh xuất tính, điều này để cho các hiện thể tồn tại như chúng là, khiến cho con người tự do để đón nhận sự “tự do” của mình bằng cách đầu tiên đưa ra cho hắn sự lựa chọn một điều gì đó khả dĩ (một hiện thể) và bằng cách áp đặt lên hắn ta một điều gì đó tất yếu (một hiện thể), sự tùy tiện bốc đồng của con người sẽ không có sự tự do để xoay sở. Con người không sở hữu tự do như một phẩm tính. Cùng lắm thì phải nói ngược lại mới đúng: tự do, tồn sinh xuất tính, là hữu tại thế khai mở, sở hữu con người, sở hữu một cách căn nguyên đến mức chỉ có nó mới đảm bảo được cho nhân loại mối quan hệ đặc trưng với tồn thể nói chung như là thế, chính mối quan hệ này đã kiến lập lên nền móng của tất cả lịch sử. Chỉ có con người nhờ có khả năng tồn sinh xuất tính mới có lịch sử. Tự nhiên không có lịch sử.
Tự do, được hiểu như “để cho hiện thể là hiện thể,” là sự thành tựu viên mãn tối hậu của yếu tính chân lý theo nghĩa là sự khai mở ra, khai phóng các hiện thể. Chân lý không phải là một thành tố của các mệnh đề chuẩn xác được khẳng định về một “đối tượng” nào đó bởi một “chủ thể người” nào đó và như thế là có giá trị ở đâu đó, trong một lãnh vực nào đó chúng ta cũng chẳng biết. Nói đúng hơn, chân lý là sự khai mở các hiện thể thông qua đó sự khai mở tự mở ra. Tất cả mọi tư thái, động thái của con người đều phơi bày ra hết trong khai vực mở toang này. Con người tồn sinh theo thể điệu xuất tính.
Bởi vì mọi cách thức tư thái của con người trong chính bản thân nó là mở ra và tương ứng với cái mà nó đang tương giao (wozu es sich verhalt), sự hạn chế của việc “để nguyên như thế,” tức là tự do, phải ban cho nó sự sở hữu mệnh lệnh nội tại thúc đẩy người trình hiện phải tương hợp với hiện thể. Sự kiện con người xuất tính bây giờ có nghĩa là đối với nhân loại trong lịch sử, lịch sử của các khả năng cốt yếu của nó được bảo tồn trong sự khai mở của hiện thể như một toàn thể. Những quyết định hiếm hoi và đơn giản của lịch sử khởi sinh từ cách thức mà yếu tính sơ nguyên của chân lý được triển khai ra một cách thiết yếu.
Tuy nhiên, vì chân lý trong yếu tính của nó là tự do, con người lịch sử, khi để cho sự vật là sự vật, cũng không để cho sự vật là những hiện thể mà chúng là và như chúng là. Thế thì các hiện thể lại bị che giấu và xuyên tạc. Cái vẻ bề ngoài lên ngôi ngự trị. Trong cái vẻ bên ngoài này sự phi yếu tính (Unwesen) của chân lý xuất hiện ra ở mặt tiền. Tuy nhiên, vì chân lý xuất tính không phải là một phẩm chất của con người, mà trái lại vì con người xuất tính nên có khả năng [dấn thân vào/ tạo ra] lịch sử chỉ như một phẩm chất của sự tự do này; sự phi yếu tính của chân lý không thể đầu tiên khởi sinh chỉ do sự bất lực và bất cẩn của con người.
Nói đúng hơn, sự thiếu vắng chân lý bắt nguồn từ yếu tính của chân lý. Chỉ vì chân lý và phi chân lý, về mặt bản chất, không phải là không có liên quan, chúng thuộc về nhau để cho có thể có được một mệnh đề đúng phải đối lập triệt để với một mệnh đề không đúng tương ứng. Câu hỏi liên quan đến yếu tính của chân lý như vậy đầu tiên đạt đến một cõi miền sơ thủy dung chứa những điều cốt yếu khi mà, dựa trên một cái nhìn trước đây vào trong yếu tính viên mãn của chân lý, nó gộp chung luôn cả việc xem xét trạng thái phi chân lý trong việc vén màn khai mở yếu tính đó.
Thảo luận về sự phi yếu tính của chân lý không phải là việc lấp đầy một khoảng trống sau đó mà đúng hơn là một bước đi quyết định nhằm đặt ra câu hỏi về yếu tính chân lý một cách thích hợp. Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể hiểu được/ bao gồm được sự phi yếu tính vào trong yếu tính của chân lý? Nếu yếu tính của chân lý không được tát cạn bởi sự chuẩn xác của các mệnh đề, thì tình trạng phi chân lý cũng không thể đánh đồng với sự thiếu chuẩn xác của những mệnh đề.
Yếu tính của chân lý
Yếu tính của chân lý tự bộc lộ ra là tự do. Tự do nghĩa là xuất tính, là để cho hiện thể tự trình hiện ra là thế. Mỗi một thể cách tư thái chuyển động nhịp nhàng (swingen) khi để cho hiện thể tồn sinh theo tiết điệu của riêng mình và trong mỗi trường hợp là một chuyển động chỉ phù hợp riêng cho hiện thể đó mà thôi. Khi dấn thân vào việc khai mở tính thể như một toàn thể như thế, tự do đã tự điều chỉnh mọi tư cách thể thái đối với tính thể như một toàn thể. Tuy nhiên công việc điều chỉnh (Gestimmheit) ở đây không bao giờ nên hiểu là “kinh nghiệm và cảm xúc” vì điều này đơn giản là bị tước bỏ ra khỏi yếu tính của nó. Vì ở đây nó được giải thích trên cơ sở một cái gì đó (như “sự sống” hay “linh hồn”) có thể duy trì được vẻ bên ngoài của danh xưng yếu tính (Wesenrecht) chừng nào nó cưu mang trong bản thân mình sự xuyên tạc và giải thích sai về trạng huống điều chỉnh. Điều chỉnh, có nghĩa là xuất tính tự triển khai bày tỏ ra với hiện thể nói chung như một toàn thể, có thể được “trải nghiệm” và “cảm nhận” mà không hề ý thức về bản chất của sự điều chỉnh theo một thể điệu sao cho có thể khai mở các hiện thể như toàn thể.
Mỗi một phương thức trong tư cách thể thái của con người lịch sử, cho dù có nhấn mạnh hay không, cho dù có được hiểu hay không, đều được điều chỉnh và nhờ sự điều chỉnh này được lôi cuốn vào trong các hiện thể như một toàn thể. Sự khai mở ra của tính thể như một toàn thể (Offenbarkeit des Seienden im Ganzen) không trùng hợp với tổng số tất cả các hiện thể quen thuộc một cách trực tiếp. Trái lại, nơi nào các hiện thể không thực sự thân quen với con người và hiếm khi được khoa học biết đến hay chỉ biết một cách hời hợt, sự khai mở của các hiện thể như một toàn thể có thể ngự trị một cách thiết yếu hơn so với khi cái thân quen, thân thuộc, đã trở thành không giới hạn, và không gì có thể chống lại sự vụ hiểu biết (Betriebsamkeit des Kennens), vì sự làm chủ về phương diện kỹ thuật (technische Beherrschbarkeit) đối với sự vật không hề có giới hạn nào. Chính xác là trong sự cào bằng và san phẳng của loại “tri thức vạn năng” này, sự vụ chỉ có tri thức thuần túy này, sự khai mở của hiện thể cũng bị san phẳng thành hư vô trống rỗng thành một cái gì đó bị quên lãng, chứ không còn phải chỉ là sự thờ ơ lãnh đạm nữa.
Để cho hiện thể tồn sinh như là thế, đó cũng là một cách điều chỉnh, việc đưa vào sự hòa hợp tương thân, điều này ngự trị xuyên suốt và dự bị trước tất cả mọi tư cách thể thái sẽ chuyển động phù hợp trong đó. Tư cách thể thái của con người được đưa vào sự tương thân hòa hợp một cách nhất quán, xuyên suốt, nhờ vào sự khai mở của tính thể như một toàn thể. Tuy nhiên, từ quan điểm của những bận tâm, tính toán hàng ngày cái “toàn thể” này có vẻ không thể tính toán được và cũng không thể hiểu được. Nó không thể được hiểu dựa trên cơ sở của các hiện thể được khai mở trong một trường hợp cụ thể nào đó, cho dù các hiện thể đó thuộc về tự nhiên hay lịch sử. Mặc dù nó không ngừng đem mọi sự vào sự hài hòa hảo hợp một cách xác định, bản thân nó thì không thể xác định, hoàn toàn bất định. Nó trùng hợp phần lớn với một điều gì đó rất thoáng qua, và hầu như không được ai xem xét đến. Tuy nhiên, điều đem đến sự hài hòa không phải là “vô thể” mà đúng hơn là sự che giấu đi các hiện thể như một toàn thể. Chính là vì việc “để nguyên như thế” để cho hiện thể được “là thế” trong một tư cách thể thái đặc thù nào đó có liên hệ với chúng và như thế khai mở chúng, chính vì thế lại che giấu các hiện thể như một toàn thể. “Để nguyên cho hiện thể được là thế” trong bản chất nội tại của nó chính là đồng thời che giấu chúng đi (Das Seinlassen ist in sich zugleich ein Verbergen). Trong tự do tồn sinh xuất tính của Hiện Tính (Dasein=con người), sự che giấu các hiện thể như một toàn thể (die Verbergung des Seienden im Ganzen) đã xảy ra (ereignet sich). Đó là sự ẩn giấu, che kín (Verborgenheit).
Phi chân lý là sự che giấu
Sự che giấu tước bỏ sự khai mở ra khỏi aletheia nhưng vẫn không làm cho nó thành khiếm khuyết, thiếu thốn. Mà đúng ra sự che giấu lại bảo tồn điều cốt yếu nhất của aletheia. Nhìn từ góc độ liên quan đến chân lý như là sự khai mở, sự che giấu như thế chính là phi chân lý và như vậy phi chân lý gắn liền với yếu tính của chân lý. Sự che giấu hiện thể như một toàn thể không phải đầu tiên xuất hiện do hậu quả của việc tri thức về hiện thể luôn luôn mang tính manh mún, lẻ tẻ, cục bộ (immer Stückhaften Erkenntnis des Seienden). Sự che giấu hiện thể như một toàn thể, tình trạng phi chân lý, còn xưa hơn, cổ hơn là bất kỳ một sự khai mở của một hiện thể này hay hiện thể nọ. Nó cũng xa xưa hơn là việc “cứ để nguyên như thế,” khi khai mở cũng đồng thời là đóng lại, tư thái hướng về sự che giấu, giấu đi (zur Verbergung sich verhält). Điều gì đã bảo tồn việc “để nguyên” này trong mối quan hệ với sự che giấu? Không gì khác hơn là sự che giấu cái bị che giấu như một toàn thể, che giấu hiện thể như là thế, có nghĩa là, ẩn mật, không phải một sự bí mật cụ thể nào đó liên quan đến chuyện này, chuyện nọ, mà là ẩn mật nói chung (=sự che giấu cái bị che giấu) như là thế đã ngự trị trong hiện tính (Dasein) của con người. Khi để cho hiện thể như một toàn thể được như là thế, vừa khai mở vừa che giấu đi, sự che giấu hiện ra như cái bị che giấu lần đầu tiên. Khi xuất tính , Hiện Tính (Dasein) gìn giữ sự che giấu lần đầu tiên và rộng rãi nhất, tình trạng phi chân lý. Ẩn mật chính là sự không có yếu tính trong chân lý. Ở đây không có yếu tính không có nghĩa kém cõi so với yếu tính (abgefallen zum Wesen) theo nghĩa yếu tính là cái gì tổng quát (koinon genos), các khả thể và nền tảng của khả thể. Phi yếu tính ở đây, theo một nghĩa như thế, là một thứ yếu tính tiền yếu tính (das vorwesende Wesen). Nhưng thoạt tiên và phần lớn phi yếu tính thường có nghĩa là sự méo mó của một yếu tính đã kém cỏi rồi. Thật ra, trong tất cả các ý nghĩa này, phi yếu tính luôn luôn, theo thể cách riêng của nó, rất quan trọng với yếu tính và không bao giờ trở nên không quan trọng theo ý nghĩa là không có liên quan. Nhưng nói về phi yếu tính và phi chân lý theo kiểu này thì chỉ đi ngược lại với ý kiến thông thường của mọi người và chỉ đưa ra những nghịch lý gượng ép. Vì khó lòng mà xóa bỏ ấn tượng này, lối ăn nói như thế, chỉ có vẻ nghịch lý đối với dư luận thông thường (doxa), sẽ cần bị từ bỏ. Nhưng đối với những người am hiểu, chữ “phi” trong cụm từ “phi yếu tính sơ nguyên của chân lý,” sự phi chân lý, hướng chúng ta đến một cõi miền chưa được trải nghiệm về chân lý của Tính Thể (không phải chỉ của các hiện thể).
Với tư cách là một động thái để cho hiện thể được là hiện thể, tự do về phương diện nội tại là một động thái mở ra một cách kiên quyết mà không đóng lại trên bản thân nó (das Entschlossene, d. h. das sich nicht verschliessende Verhältnis). Mọi tư cách thể thái đều có nền tảng trong động thái này và tiếp nhận sự định hướng của nó hướng về hiện thể và sự khai mở chúng ra. Tuy nhiên động thái hướng về che giấu này lại tự che giấu đi trong quá trình, để cho sự quên lãng ẩn mật chiếm vị trí ưu tiên và biến mất trong đó.
Chắc chắn con người vẫn thường xuyên có các động thái trong tư cách thể thái hướng về hiện thể, nhưng phần lớn hắn chấp nhận hiện thể này hay hiện thể kia và sự khai mở đặc thù của nó. Con người khư khư bám lấy cái gì sẵn có và có thể kiểm soát được thậm chí ngay cả đối với những vấn đề tối hậu cũng thế. Và nếu con người tiến hành mở rộng, thay đổi, sáp nhập thêm cái mới, hay đảm bảo cho sự khai mở của các hiện thể thuộc về các lãnh vực hoạt động và quan tâm hết sức đa dạng, thì con người vẫn nhận chỉ thị từ lãnh vực của các ý định và nhu cầu sẵn có.
Tuy nhiên, lưu trú trong những gì sẵn có về phương diện nội tại là không để cho sự che giấu cái bị che giấu nắm thế chủ động. Chắc chắn trong số những sự vật đã quen thuộc cũng có một số sự vật khó hiểu, không thể giải thích, không thể quyết định, đáng bị tra hỏi. Nhưng các câu hỏi chắc chắn này chỉ là những điểm chuyển tiếp, tạm thời trong cuộc vận hành của chúng ta bên trong những điều quen thuộc và như thế chúng không phải là những câu hỏi quan trọng. Bất kỳ ở đâu sự che giấu hiện thể như toàn thể được thừa nhận như một giới hạn thỉnh thoảng tự bộc lộ ra, còn thì sự che giấu như một biến cố căn nguyên đã chìm vào quên lãng.
Những sự ẩn mật đã bị quên lãng của hiện tính không phải bị sự quên lãng làm cho biến mất đi. Đúng hơn, sự quên lãng đã ban cho sự có vẻ như biến mất của điều bị quên lãng này một sự hiện diện (Gegenwart) kỳ lạ. Bằng cách tự chối bỏ mình trong và cho sự quên lãng, sự ẩn mật để con người lịch sử ở lại trong cảnh vực của những điều sẵn có, để con người tự xoay sở với các nguồn lực của mình (Gemächten). Bị bỏ rơi như vậy, con người tự làm đầy thế giới của hắn bằng những mục tiêu và nhu cầu mới nhất, rót đầy thế giới bằng những đề nghị và kế hoạch, dự tính. Từ những điều này con người đã rút ra các chuẩn mực của mình, quên đi Tính Thể như một toàn thể. Hắn tồn sinh trong đó và liên tục cung cấp cho mình các chuẩn mực mới, tuy nhiên không hề xem xét nền tảng của các chuẩn mực (den Grund der Massnahme) hay yếu tính của cái gì đã tạo ra các chuẩn mực đó (das Wesen der Massgabe). Bất chấp việc con người đã tiến bộ đến các mục tiêu và chuẩn mực mới, con người vẫn phạm sai lầm liên quan đến tính chân thực cốt yếu trong các chuẩn mực của hắn. Con người lại càng sai lầm hơn khi hắn lấy chính mình, với tư cách là chủ thể, làm chuẩn mực cho mọi hiện thể (er sich selbst als das Subjekt für alles Seiende zum Mass nimmt).
Sự quên lãng đầy vênh váo (vermessen) của nhân loại tiếp tục được duy trì nhờ vào những gì đang sẵn có và có thể tiếp cận dễ dàng. Sự duy trì này vô tình lại có sự hỗ trợ từ một động thái của Hiện Tính: Hiện Tính không những xuất tính mà còn nhập tính (in-sistiert), nghĩa là bám ghì lấy những gì hiện thể ban cho, như thể chúng mở ra và tự đóng lại. Là xuất tính, Hiện Tính cũng là nhập tính. Thậm chí trong tồn sinh nhập tính sự ẩn mật vẫn ngự trị, nhưng với tư cách là yếu tính của chân lý đã bị quên lãng và không còn thiết yếu (unwesentlich) nữa.
THƯ HIÊN DỊCH TRƯỜNG
Thư Hiên Dịch Trường có 3 hoạt động chính: Thư viện, xuất bản sách và dịch trường.
Địa chỉ: Tháp S6, The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM
Điện thoại: 0938 336 918
Email: thuhiendichtruong@gmail | Website: thuhiendichtruong.com