Công trình Yêu sách của Antigone, với nhan đề phụ là Thân tộc giữa sự sống và cái chết, là sự kết tinh các bài giảng của nữ triết gia Mỹ Judith Butler, tại các trường đại học danh giá như Đại học California, Cornell và Princeton, về vở kịch Antigone của Sophocles, một vở kịch có ảnh hưởng sâu đậm trong lịch sử triết học Tây phương. Sự xuất hiện Yêu sách của Antigone là một sự kiện trọng đại trong đời sống học thuật Mỹ trong hai mươi năm qua.
Công trình này đã được tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, một giảng viên trẻ và tài năng của Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, dày công biên dịch. Đây là một bản dịch công phu và xuất sắc của chị, và qua việc biên dịch công trình này, chị đã có đóng góp thiết thực trong việc tiếp sinh khí cho đời sống học thuật của chúng ta.
Yêu sách của Antigone của Judith Butler là một sự nỗ lực muốn nhận thức lại mối quan hệ giữa thân tộc và nhà nước qua hình tượng nhân vật Antigone trong bi kịch Hy Lạp cổ đại, và qua đó đưa ra một lối đọc mới về hình tượng này trong bối cảnh chính trị xã hội đương đại.
Trong công trình này, Judith Butler tra vấn lại cách đọc thống trị trong lịch sử tư tưởng khởi từ Hegel, qua Lacan đến Irigaray về vấn đề tính đại diện của hình tượng Antigone. Với Hegel, nàng Antigone đại diện cho hệ thống thân tộc, thuộc lĩnh vực gia đình, còn nhân vật Creon thì đại diện cho hệ thống chính trị, thuộc lĩnh vực xã hội. Mối quan hệ xung đột giữa hai nhân vật này là sự biểu hiện của mối xung đột giữa thân tộc và nhà nước, và theo logic của diễn trình biện chứng của Hegel, mối xung đột này sẽ được hòa giải theo cách gia đình sẽ bị … tiêu tan trong nhà nước. Kế tục di sản Hegel, Lacan đặt nàng vào cõi Tượng, tức lĩnh vực lý tưởng hóa của thân tộc và tách biệt với lĩnh vực xã hội, Irigaray coi nàng là đại diện cho sự chuyển đổi từ luật dựa trên người mẹ của thân tộc sang luật dựa trên người cha qua biểu trưng “máu”. Hệ quả của cách đọc này là nàng Antigone, nói cách khác là người nữ, không có bất cứ chỗ đứng nào trong đời sống xã hội với tư cách là công dân. Butler cho rằng đây là cách đọc sai về Antigone, bởi lẽ với tư cách là một nhân vật chính trị, nàng “nhấn mạnh một chỗ khác, không phải chính trị như một câu hỏi về tính đại diện, mà là khả thể chính trị xuất hiện khi các giới hạn cho sự đại diện và tính có thể đại diện có thể bộc lộ ra”.
Để phản biện lại cách đọc này, bà diễn giải lại thế đứng “bị mắc kẹt trong một mạng lưới các quan hệ không tạo ra vị trí rõ ràng trong thân tộc”, một mạng lưới trong đó “các đơn vị thân tộc trở nên nhập nhằng không thể phân giải được”. Thân tộc vừa là tình cảnh số phận của Antigone vừa là tập hợp các thực hành mà nàng thực hiện. Trong thế đứng ấy, hành động của nàng dẫn nàng đến chỗ “lặp lại lệch chuẩn của một quy chuẩn”. Trong một chỉnh hợp xã hội mọi thứ được biện minh theo quy chuẩn, liệu các trường hợp lệch chuẩn có được biện minh cho sự tồn tại của mình hay không hay chúng sẽ bị tiêu biến đi theo cách nào đó để đảm bảo cho sự vận hành của hệ thống quy chuẩn được trơn tru? Yêu sách của Antigone chính là yêu sách đòi quyền được tồn tại của những thân phận bị đẩy đưa theo dòng số mệnh như bao con người có diễm phúc giữ được vị trí quy chuẩn khác. Yêu sách của nàng đâu có gì lớn lao, chỉ là quyền được than khóc thôi, nhưng sao vẫn là một cái gì xa vời vợi.
Sách hiện có ở Thư Hiên, mong bạn có thể ghé qua thưởng lãm.
Thư Hiên có bán cuốn này không?
Cuốn này hiện đang có tại Thư viện, mời quý bạn ghé Thư Hiên Dịch Trường để mượn đọc tại chỗ ạ 🙂