Một Nghiên Cứu Về Các Nguyên Tắc Nhận Thức Của Con Người

Công trình triết học Một nghiên cứu về các nguyên tắc nhận thức của con người (1710) là một đại kiệt tác của George Berkely, được ông xuất bản lúc 25 tuổi, giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử thuyết duy nghiệm nói riêng và lịch sử triết học phương Tây nói chung. Luận điểm trung tâm của nó là mệnh đề cho rằng thế giới vật lý không thể tồn tại độc lập với tinh thần đang tri giác, qua câu cách ngôn “esse est percipi” (tồn tại là được tri giác). Mục đích của George Berkeley khi viết công trình này, theo như lời ông, là: “Mục đích của tôi là cố gắng, nếu có thể, phát hiện xem đâu là những nguyên tắc đã đưa toàn bộ sự nghi ngờ, sự không chắc chắn, những sự phi lý và những mâu thuẫn ấy vào trong một vài trường phái triết học; đến mức những người thông thái nhất cũng đã tưởng rằng sự ngu dốt của chúng ta là vô phương cứu chữa, và cho rằng tình trạng ấy xuất phát từ sự trì độn tự nhiên và những giới hạn của các quan năng của chúng ta.”

Công trình này đã được dịch giả Đinh Hồng Phúc và Mai Sơn dịch ra tiếng Việt, với sự hiệu đính của nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn, và đã được Nxb. Tri thức xuất bản năm 2013.

       


Trong phần Dẫn nhập, Berkeley chủ yếu tập trung phê phán học thuyết của Locke về các ý niệm trừu tượng như là một nguyên tắc sai lầm cơ bản đã “đưa toàn bộ sự nghi ngờ, sự không chắc chắn, những sự phi lý và những mâu thuẫn ấy vào trong một vài trường phái triết học” (§4). Đối với Locke, và nhiều triết gia khác, trí óc hay tinh thần “có năng lực tạo ra những ý niệm trừu tượng” (§6) bằng cách thực hiện thao tác tách biệt trong tư tưởng các yếu tố hay các thuộc tính của các sự vật cá biệt ra thành những cái cấu thành đơn giản để rút ra yếu tố hay thuộc tính mà các sự vật cá biệt đều có chung, tức những cái phổ biến. Berkeley công kích học thuyết này bằng luận điểm cho rằng thao tác trừu tượng hóa các ý niệm như thế là điều ta không thể làm được, và nguồn gốc của sai lầm ấy chính là quan điểm ngộ nhận về công dụng của ngôn ngữ: mục đích của ngôn ngữ là truyền đạt các ý niệm của ta và mọi tên gọi (names) có nghĩa đều biểu thị một ý niệm trừu tượng. Đối với Berkeley, ngôn ngữ chỉ biểu thị các ý niệm phổ biến (general ideas) chứ không biểu thị bất cứ một ý niệm trừu tượng nào. Do đó, phương cách để ta có thể đi đến chân lý và tránh mọi sai lầm là hãy “loại bỏ trở ngại và sự lừa dối của những từ ngữ ra khỏi những đệ nhất nguyên nhân của nhận thức” (§25). Cấu trúc của sách gồm phần: Dẫn nhập (gồm 25 tiểu đoạn) và Phần I (gồm 156 tiểu đoạn).

Toàn bộ nội dung của phần I được Berkeley triển khai thành 156 tiểu đoạn một cách liền mạch nhau. Về sau, để giúp độc giả nắm bắt nội dung trình bày của Berkeley được dễ dàng hơn, các nhà biên tập các tác phẩm của Berkeley đã phân chia phần I thành các nhóm tiểu đoạn như sau: 1) Đối tượng và chủ thể của nhận thức (§§1-2); 2) Những luận cứ ủng hộ thuyết phi vật chất (§§3-33); 3) Những luận cứ phản bác và trả lời (§§34-84); và 4) Những hệ quả và áp dụng quan niệm của Berkeley (§§85-156).

Trước hết, trong nhóm tiểu đoạn đầu tiên, Berkeley xác định đối tượng và chủ thể của nhận thức con người. Các đối tượng của nhận thức là các ý niệm, và các ý niệm này gồm ba loại: “các ý niệm đã in sâu vào các giác quan”, “các ý niệm được ghi nhận khi lưu ý đến những xúc cảm của tâm hồm và những hoạt động của tinh thần”, và “các ý niệm được hình thành nhờ ký ức và trí tưởng tượng”. Chủ thể của nhận thức, theo Berkeley, không phải là những con người cá nhân (persons), mà là “tinh thần”, hay còn gọi bằng những cái tên khác là: “tâm trí”, “linh hồn” hay “bản ngã”. Đây là một thực thể tri giác năng động, hoàn toàn khác với ý niệm, là cái tri giác các ý niệm, là nơi để các ý niệm hiện hữu: “sự tồn tại của một ý niệm  là ở chỗ nó được tri giác”.

Từ chỗ xác định được đối tượng và chủ thể của nhận thức, Berkeley bắt đầu khai triển những luận cứ ủng hộ cho thuyết phi vật chất (immaterialism) của mình qua 30 tiểu đoạn tiếp theo.

Luận cứ xuất phát cho thuyết phi vật chất của Berkeley là “không có bất cứ bản thể nào khác ngoài tinh thần” (§7). Luận cứ này được nêu ra để phản bác lại học thuyết về ý niệm trừu tượng là học thuyết cho rằng mọi đối tượng khả giác là các tồn tại độc lập, hoàn toàn khác với các tồn tại được tri giác. Đối với Berkeley, lối phân biệt này tỏ ra không chính đáng ở chỗ sự trừu tượng hóa đã vượt ra khỏi phạm vi tác động của nó. Tôi chỉ có thể trừu tượng hóa một đối tượng nào đó trong chừng mực tôi nhận biết đối tượng ấy một cách biệt lập, chứ tôi không thể tách nó ra khỏi tri giác của tinh thần ở nơi tôi về chúng như là một thực thể tự tồn: “Mọi vật thể tạo nên cái cấu trúc vĩ đại của thế giới, đều không có một sự tự tồn nào ở bên ngoài một tinh thần” (§6). Như vậy, thế giới chỉ có một bản thể duy nhất là tinh thần, còn cái gọi là “vật chất” (matter) hay “cơ chất” (substratum) của các ý niệm không thể nào được coi là bản thể.

Theo Berkeley, vì các sự vật mà ta ý thức trực tiếp đều có các tính chất hạng hai và vì các tính chất ấy chỉ hiện hữu trong tinh thần, cho nên cái ta ý thức chính là “các ý niệm trong tinh thần”, chứ không phải là các đối tượng thuộc thế giới bên ngoài. Hơn nữa, căn cứ theo nguyên tắc về tính tương tự, chỉ có ý niệm mới giống với ý niệm, chứ không giống với bất cứ cái gì không thể tri giác được, ông suy ra rằng không có cái tương tự với ý niệm nào ở trong cái gọi là vật chất cả. Ông khẳng định: “Bất kỳ màu sắc hay quảng tính nào, hay bất kỳ tính chất khả giác nào đều tuyệt nhiên không thể tồn tại trong một chủ thể vô tư tưởng, bên ngoài tinh thần”. Về điểm này, rõ ràng Berkeley đang “đặt vấn đề” đối với thuyết duy vật, cụ thể là mấy vấn đề như sau: Một là, chính ý niệm về vật chất (hay bản thể hữu hình) là một ý niệm đầy mâu thuẫn, ở chỗ nó cho rằng các tính chất chỉ ở trong bản thể tinh thần lại có thể ở trong bản thể không phải tinh thần. Hai là, thuyết duy vật đang dẫn ta tới thuyết duy thực gián tiếp về tri giác, và từ đó dẫn tới thuyết hoài nghi. Các ý niệm tuy không thể tự tồn, nhưng chúng được các nhà duy vật giả định là bản sao của các hiện hữu độc lập với tinh thần (§15). Nhưng các đối tượng của giác quan biến đổi liên tục, trong khi đó các bản gốc của chúng lại được cho là bất biến, cho nên chúng không thể nào là bản sao trung thực các bản gốc của chúng được. Ba là, khái niệm về vật chất là vô nghĩa (§17), bởi lẽ các khái niệm về bản thể và cơ chất, về cái nâng đỡ cho quảng tính là cái gì rất mơ hồ và trừu tượng đến mức không thể hiểu được.

Tiếp theo việc nêu luận cứ chủ đạo rằng không thể có bất cứ đối tượng nào tồn tại ở bên ngoài tinh thần, vì những đối tượng như thế, về nguyên tắc, là không thể tri giác được, Berkeley tiến hành xem xét và đáp trả các luận cứ phản bác triết học học thuyết phi-vật chất (từ tiểu đoạn §34 đến tiểu đoạn §84). Sự đáp trả các luận cứ phản bác ấy cũng chính là những phát biểu của ông về học thuyết duy tâm của mình, về sau người ta gọi là thuyết duy tâm chủ quan (subjective idealism). Về đại thể, các luận cứ phản bác này có thể gom lại thành các nhóm chính: 1) luận cứ từ phía những người bình thường; 2) luận cứ từ phía các nhà khoa học; và 3) luận cứ từ phía tôn giáo.

Trước hết, với các luận cứ phản bác từ phía những người bình thường, Berkeley trả lời rằng hệ thống triết học của ông không phủ nhận sự tồn tại của bất cứ cái gì có thể tri giác, không phủ nhận những gì mắt thấy tai nghe, – chúng có tồn tại hay không thì cũng chẳng có chuyện trời rung đất chuyển nào hết miễn là chúng hãy làm ơn “ở trong tinh thần” giùm ông; điều ông phủ nhận là các nhà duy vật cứ khăng khăng về sự tồn tại của một bản thể không thể tri giác nào đó được gọi là “vật chất” hay “bản thể hữu hình” nâng đỡ cho các tồn tại có hình dạng, quảng tính, vận động, v.v.

Đối với các luận cứ phản bác từ phía khoa học, Berkeley trả lời rằng hệ thống triết học của ông không có hại gì cho khoa học cả, nếu lĩnh vực này được hiểu một cách đúng đắn. Công việc của khoa học không phải là đưa ra sự giải thích siêu hình học mà là phát biểu các quy luật vận hành quan sát được trong giới tự nhiên sao cho rõ ràng nhất. Vì thế thuyết duy tâm và thuyết phi vật chất của ông không những tương thích với sự thực hành khoa học đúng đắn, mà chúng còn thực sự hữu ích để khoa học loại trừ các khái niệm hàm hồ gây cản trở bước đường nhận thức của con người.

Cuối cùng là các luận cứ phản bác từ phía tôn giáo. Berkeley cho rằng dù ngôn ngữ của Kinh thánh có nói đến “vật chất” (các thực tại núi sông, cây cỏ, con người, v.v.,) nhưng không cùng cách hiểu với nhà duy vật về khái niệm ấy, tức vật chất là một cơ chất trơ ì không thể tri giác. Và do chỗ vai trò đích thực của ngôn ngữ là “biểu thị các quan niệm của chúng ta, hay các sự vật chỉ trong chừng mực chúng được ta nhận biết” (§83), nên nguyên tắc trình bày của ông không có gì mâu thuẫn với phép tắc của ngôn ngữ. Thêm nữa, các trường hợp về phép màu trong Kinh thánh (cây quyền trượng của Moise biến thành con rắn, nước biến thành rượu), học thuyết ấy không làm cho chúng mất linh nghiệm, bởi lẽ nó thừa nhận việc “cây quyền trượng đã biến thành con rắn” và “nước đã biến thành rượu” là có thật. Do đó, tương tự như đối với hai nhóm luận cứ nói trên, thì với nhóm luận cứ này, thuyết phi vật chất của ông không nguy hiểm như người ta lầm tưởng.

Sau khi trả lời các luận cứ phản bác có thể có từ nhiều phía khác nhau, Berkeley dành 49 tiểu đoạn tiếp theo, từ §85 đến §134, để xem xét những lợi ích mà học thuyết của ông có thể mang lại cho các hoạt động nhận thức của con người, cụ thể là đối với triết học, các môn khoa học và cả tôn giáo nữa.

Về đại thể, lợi ích mà học thuyết phi vật chất có thể mang lại cho triết học là ở chỗ nó loại bỏ hết các “câu hỏi khó và tối nghĩa mà người ta đã hoài công phí sức để suy xét” (§85), và một khi làm được điều đó thì thuyết hoài nghi cũng như thuyết vô thần sẽ không còn cơ sở nào để tồn tại, người ta sẽ tiết kiệm được nhiều công sức và thời gian trong việc tìm chân lý.

Đối với khoa học, những lợi ích mà học thuyết này mang lại được Berkeley xem xét ở “hai lĩnh vực lớn” là khoa học tự nhiên và toán học. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, mục đích của ông là chống lại luận điểm của các nhà hoài nghi rằng bản chất thực của sự vật là cái gì ta không thể biết về nguyên tắc. Cơ sở của luận điểm này là cách giải thích khoa học của cơ học Newton. Quan điểm của Berkeley là về nguyên tắc bao giờ ta cũng lĩnh hội được cái bản chất thực của sự vật. Các nhà khoa học không nên cố công đi tìm nguyên nhân tác động trong giới tự nhiên, bởi lẽ các nguyên lý của cơ học không thể giúp ta giải thích được những quy luật cơ bản của tự nhiên như lực hút và sự cố kết của sự vật. Cách giải thích theo nguyên tắc “sự tương tự giữa các sự biến” ở các nhà khoa học rất dễ sa đà vào xu hướng tuyệt đối hóa, “biến nó thành định lý tổng quát”, do đó sẽ “gây thiệt hại nặng nề cho chân lý” (§106). Nguyên lý triết học của thuyết phi vật chất sẽ giúp cho các nhà khoa học nhận ra rằng sự tương tự lớn nhất của mọi sự biến là coi thế giới tự nhiên là công trình của một Tác nhân khôn ngoan và lòng lành, tức Thượng đế, và cách giải thích duy nhất đúng đắn các sự biến ấy là bằng những nguyên nhân tối hậu, chứ không phải những nguyên nhân tác động.

Các tiểu đoạn cuối cùng của Các nguyên tắc từ §135 đến §156, chủ đề Berkeley bàn là các tinh thần và Thượng đế. Vì tinh thần là “bản thể hay cái nâng đỡ duy nhất trong đó các tồn tại không-tư duy hay các ý niệm có thể hiện hữu” (§135), đồng thời, theo nguyên tắc về tính tương tự, chỉ có ý niệm mới tương tự với ý niệm, nên ta không thể tạo ra một ý niệm về tinh thần. Chúng ta chỉ có thể tạo ra một khái niệm về tinh thần mà thôi. Khái niệm khác với ý niệm ở chỗ nó không đưa ra một bức tranh chứa nội dung xác thực về sự vật được biểu thị, trái lại nó là kết quả của sự phản ánh giữa ý niệm của ta với những ý niệm trong tâm trí của người khác theo nguyên tắc tương tự.

Cứ cho là ta không có ý niệm về các tinh thần ở người khác, ta vẫn có thể suy ra được sự hiện hữu của các tinh thần ấy qua việc quan sát những biến đổi trong các ý niệm ta tri giác. Ta có thể rút ra được khái niệm về tinh thần từ việc ta quan sát bản ngã hay linh hồn của mình, rồi từ đó “thông qua linh hồn của mình mà ta biết được linh hồn của người khác” (§140). Sở dĩ ta làm được như vậy là nhờ có tác lực (agency) của Thượng đế, tác lực này hiện diện khắp nơi và cung cấp một hậu cảnh ổn định trên đó diễn ra mọi quan hệ nhân quả để ta có thế nắm bắt được tinh thần của những người khác. “Chỉ có mỗi mình Ngài là đấng, dùng lời quyền năng của mình mà nâng đỡ vạn vật, duy trì mối tương giao ấy giữa các tinh thần, qua đó các tinh thần có thể tri giác sự tồn tại của nhau” (§147).

Có thể thấy, toàn bộ dự án triết học của Berkeley được triển khai trong công trình Một nghiên cứu về các nguyên tắc nhận thức của con người này là biện minh cho những chân lý trong Phúc âm về sự hiện hữu của Thượng đế như là bản thể đích thực của mọi tồn tại, mọi trật tự tự nhiên và như là nguồn suối của mọi nhận thức của con người. Vì thế, triết học, cụ thể là thuyết phi vật chất, của ông không có nhiệm vụ nào khác ngoài việc đánh đổ mọi quan niệm lầm lạc về Thượng đế và khơi gợi nơi người đọc một “xúc cảm sùng kính về sự hiện diện của Thượng đế” để họ “biết tôn kính và hoài bão những chân lý bổ ích của Phúc âm” (§156).

Đ.H.P.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo